Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2018
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 - 2018
Thứ tư, Ngày 28 Tháng 2 Năm 2018

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang

Tháng 02 năm 2018

    I. KINH TẾ

    1. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản:

    a. Nông nghiệp:

    Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những ngày trước, trong và sau Tết vẫn đảm bảo liên tục; lãnh đạo các địa phương đã trực tiếp xuống thăm đồng, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp được phân công trực Tết theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại cây trồng. Về vận hành Cống Xuân Hòa lấy nước ổn định nên mực nước và chất lượng nước nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công được duy trì ở mức khá cao và đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018 và phục vụ dân sinh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tình hình hạn mặn năm nay không gây thiệt hại nhiều như những năm trước; vụ Đông Xuân sâu bệnh ít phát triển, đã thu hoạch được 38.860 ha với năng suất 70,8 tạ/ha, sản lượng 275.193 tấn. Trong tháng xuống giống vụ Hè Thu với diện tích 16.917 ha ở các huyện phía tây, trà lúa phát triển tốt đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Diện tích lúa gieo sạ 02 tháng được 85.730 ha, đạt 42,7% kế hoạch năm, giảm 5,4% so cùng kỳ.

    Cùng với cây lúa, tháng hai gieo trồng 440 ha cây ngô, đến cuối tháng hai trồng được 1.794 ha, tăng 7,9% so cùng kỳ, thu hoạch 1.283 ha, năng suất bình quân 36,2 tạ/ha, sản lượng đạt 4.642 tấn, tăng 6,3% so cùng kỳ; cây rau đậu các loại trồng 5.310 ha, đến cuối tháng hai trồng 24.808 ha, đạt 44% kế hoạch, giảm 3% so cùng kỳ, thu hoạch 19.216 ha, năng suất bình quân 198,3 tạ/ha, sản lượng 381.077 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ, chủ yếu là cây rau các loại trồng được 24.763 ha, giảm 3%, thu hoạch 19.191 ha, năng suất bình quân đạt 198,5 tạ/ha với sản lượng 380.999 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ.

    Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/01/2018, tổng đàn lợn 572 ngàn con, giảm 19,5% so cùng kỳ, do suốt một năm qua giá cả luôn đứng ở mức thấp, người chăn nuôi liên tục thua lỗ, mặc dù hiện nay giá lợn có tăng nhẹ nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn, giá lợn hơi thương lái thu mua khoảng 30.000đ/kg, với giá này, người chăn nuôi vẫn tiếp tục thua lỗ. Tuy giá lợn hơi thấp nhưng giá thịt lợn trên thị trường trong thời điểm cận tết giảm không nhiều nên thương lái và những khâu lưu thông trung gian lại hưởng lợi lớn từ quá trình giết mổ, đưa thịt lợn ra thị trường. Đàn gia cầm 12,5 triệu con, so cùng kỳ tăng 1,6%, chủ yếu tăng ở đàn gà (+7%), trong đó gà thịt tăng 1%; do dịch bệnh được khống chế, người tiêu dùng sử dụng nhiều, giá cả sản phẩm giữ mức ổn định tạo thu nhập nên nông hộ tích cực phát triển và mở rộng quy mô đàn. Hơn nữa, do nhu cầu sản phẩm tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán nên số lượng đàn gia cầm phát triển mạnh vào cuối năm. Thời tiết cận tết thay đổi ghi nhận chỉ có 1 trường hợp vào lúc 17 giờ 30 ngày 13/02/2018 (28 Tết), phát hiện gà bệnh có dấu hiệu cúm gia cầm tại hộ ông Thái Văn Giàu, ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông: tổng đàn 3.014 con, toàn bộ đều chưa được tiêm phòng vắc-xin cúm; số mắc bệnh 3.000 con, số chết 1.500 con; ngay sau khi xác minh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương chỉ đạo xử lý theo quy trình, không để lây lan.

    b. Thủy hải sản:

    Diện tích thả nuôi thủy sản các loại trong tháng 3.375 ha, hai tháng nuôi 6.659 ha, đạt 42,2% kế hoạch, giảm 1% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi được 3.402 ha, giảm 3,5% so với cùng kỳ, do sau khi thu hoạch cá để phục vụ tết Nguyên đán hộ nuôi đã cải tạo lại ao và chưa thả nuôi. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi được 3.257 ha, tương đương cùng kỳ; trong đó có 636 ha nuôi tôm.

    Sản lượng thủy sản trong tháng đạt 17.737 tấn, tăng 1,1% so cùng kỳ, hai tháng 36.501 tấn, đạt 14,1% kế hoạch, tăng 1,9% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi đạt 22.255 tấn, tăng 1,1% chủ yếu do hiện nay đang vào vụ thu hoạch, sản lượng cá thu hoạch chủ yếu là tiêu thụ nội địa; sản lượng khai thác đạt 14.246 tấn, tăng 3,2 % so với cùng kỳ.

    2. Sản xuất công nghiệp:

    Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng giảm 5,7% so với tháng trước và tăng 12,1% so cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,4% so với cùng kỳ, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%.

    Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2018 so với tháng trước giảm 3,6% và tăng 14,2% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn 2 tháng năm 2018 tăng 11,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: chế biến bảo quản thủy sản tăng 15,8%, sản xuất bia tăng 76,1%, sản xuất sợi tăng 36,1%, sản xuất kim loại tăng 90,5%, sản xuất dây cáp, dây điện tăng 13,5%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 6,3%, sản xuất sản phẩm khác từ gỗ giảm 14,3%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 9,5%, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 29,4%, sản xuất mô tơ giảm 11,5%...

    Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2018 so với tháng trước tăng 14,6% và so với cùng kỳ tăng 82,3%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản bằng 3,7 lần, sản xuất bia bằng 28,2 lần, sản xuất sợi bằng 3,7 lần, may trang phục tăng 40,9%, sản xuất giày dép tăng 25,7%, sản xuất sản phẩm khác từ gỗ tăng 52,6%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 140,6%, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 2,9%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất va ly túi xách giảm 28,9%, sản xuất phân bón giảm 10,4%, sản xuất cấu kiện kim loại giảm 67%...

    3. Đầu tư – Xây dựng:                  

    Trong tháng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý thực hiện khối lượng các công trình, hạng mục công trình chủ yếu là chuyển tiếp năm 2017 và đối với các công trình mới trong kế hoạch năm 2018 chưa có nguồn vốn cấp để thực hiện.

    Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong tháng thực hiện 111,6 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm thực hiện được 240 tỷ đồng, tăng 4,1% so cùng kỳ, gồm: nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 180,9 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ, trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh 27,7 tỷ đồng, tăng 13,4%, nguồn vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 30,2 tỷ đồng, tăng 4,4%, vốn xổ số kiến thiết 77,4 tỷ đồng, tăng 12,4%...; nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 52,2 tỷ đồng, giảm 9,5%, trong đó vốn cân đối ngân sách huyện 30,4 tỷ đồng, tăng 11%, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 20 tỷ đồng, giảm 29,9%...; nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã 6,9 tỷ đồng, tăng 5,2%, trong đó vốn cân đối ngân sách xã thực hiện 4 tỷ đồng, tăng 2,4% so cùng kỳ...

    4. Thương mại - Giá cả - Dịch vụ:

    a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong tháng thực hiện 4.611,1 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ. Hai tháng đầu năm thực hiện 9.099,1 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ. Chia ra: kinh tế nhà nước thực hiện 719,2 tỷ đồng, tăng 1,2%; kinh tế ngoài nhà nước 8.329,9 tỷ đồng, tăng 7,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 50 tỷ đồng, tăng 11%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 7.260,8 tỷ đồng, tăng 7,3%; lưu trú 24,3 tỷ đồng, tăng 26,1%; ăn uống 923,1 tỷ đồng, tăng 11,5%; du lịch lữ hành đạt 18 tỷ đồng, tăng 6,8%; dịch vụ 873 tỷ đồng, giảm 1,4% so cùng kỳ.

    Nhằm đảm bảo việc bình ổn thị trường giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá cả hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, Ủy Ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 340/UBND-KH ngày 04/12/2017 về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; trong đó có 6 doanh nghiệp tham gia với tổng trị giá vốn trên 341,3 tỷ đồng (trong đó hàng hóa thiết yếu gần 39,13 tỷ đồng) và được vay vốn trong thời gian 4 tháng kể từ ngày giải ngân vốn vay với số tiền vay là 31,2 tỷ đồng, để dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu gồm: gạo các loại, đường, dầu ăn, bột ngọt... Các mặt hàng thiết yếu dự trữ, cung ứng ưu tiên là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý. Việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam là góp phần kích thích sản xuất phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập của người dân; là hành động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

    Thị trường hàng hóa phục vụ Tết phong phú, đa dạng, những hộ mua bán trong các chợ trọng điểm thực hiện việc niêm yết giá và mua bán theo giá niêm yết đạt tỷ lệ từ 70% - 90%. Riêng tại các siêu thị và các điểm bán hàng bình ổn, tỷ lệ niêm yết giá đạt 100%. Việc tuyên truyền niêm yết giá và thực hiện mua bán theo giá niêm yết trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú và được các hộ tiểu thương hưởng ứng, còn được sự quan tâm của lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ quản lý chợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm hàng hóa Tết của người dân.

    Vào những ngày cận Tết từ ngày 25 đến 28/12 âm lịch sức mua tăng bình quân từ 10% đến 15% so với những ngày bình thường nhưng vẫn còn chậm so với năm trước, đến ngày 29 và 30/12 âm lịch sức mua tăng mạnh dần lên, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như: thịt, rau, củ, quả... Lượng hàng hóa bày bán trên thị trường chợ Tết năm nay tập trung phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đủ sức cung ứng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết và không có đột biến giá xảy ra trong những ngày cận Tết.

    Thị trường chợ hoa Tết năm nay được bày bán giảm hơn về chủng loại so với chợ Tết năm trước, giá tăng bình quân từ 5 - 10% so cùng kỳ, nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi. Cụ thể từ ngày 25 đến ngày 29 Tết giá hoa vạn thọ loại cây thấp từ 15 - 20 bông/chậu: mức giá từ 40.000 - 50.000 đ/chậu, loại cây cao: 60.000 - 80.000 đ/chậu; hoa cúc từ 60.000 - 80.000 đ/chậu, cây quất cao 1,2m giá 150.000 - 250.000 đ/cây, cành mai vàng cao 1,2m giá từ 80.000 - 120.000 đ/cành, nhưng đến ngày 30 tết giá các loại hoa kiểng như: vạn thọ, hoa cúc... giá bán giảm nhẹ bình quân giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/chậu.

    b. Xuất - Nhập khẩu:

    Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 thực hiện 210,3 triệu USD, hai tháng xuất khẩu 422,8 triệu USD, tăng 11,7% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 14,2 triệu USD, tăng 125,9%; kinh tế ngoài nhà nước 109,6 triệu USD, tăng 8,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 299 triệu USD, tăng 10,2%.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính tháng 2 xuất 12.158 tấn, giảm 4,9% so tháng trước; 2 tháng xuất 24.974 tấn, tăng 8,3% so cùng kỳ, về trị giá đạt 62,8 triệu USD, tăng 33,9% so cùng kỳ. Đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra vẫn duy trì, giá cả trên thị trường cá nguyên liệu vẫn bình ổn, nhu cầu cá tra trên thị trường thế giới dự báo vẫn tiếp tục tăng lên trong thời gian giá cá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Hiện nay, nguồn cung cá tra đang không đáp ứng được nhu cầu, giá cá tra xuất khẩu đã vượt ngưỡng 3 USD/kg và được các nhà nhập khẩu chấp nhận.

    - Gạo: ước tính tháng 2 xuất 17.010 tấn, giảm 2,9% so tháng trước; 2 tháng xuất 34.535 tấn, tăng 8,4% so cùng kỳ, về trị giá đạt 16,9 triệu USD, tăng 8,7% so cùng kỳ. Sang năm 2018, thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục sôi động ngay từ đầu năm khi Indonesia và Philippines hai thị trường tiêu thụ lớn đồng loạt thông báo kế hoạch nhập khẩu; trong khi đó Bangladesh tiếp tục duy trì tiến độ nhập khẩu, giá gạo xuất khẩu cũng có dấu hiệu tăng đáng kể. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá trong nước tăng theo, theo số liệu công ty lương thực tỉnh trong tháng 2 giá gạo lức nguyên liệu OM 5451 dao động từ 9.500 - 9.600 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg; gạo lức IR 50404 dao động từ 7.800 - 7.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm dao động từ 9.200 - 9.300 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg, giá xuất khẩu 426 USD/tấn, tăng 22 USD/tấn; gạo 15% tấm dao động 9.000 - 9.100 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg, giá xuất khẩu 417 USD/tấn, tăng 26 USD/tấn so tháng 1/2018. 

    - May mặc: ước tính tháng 2 xuất 5.371 ngàn sản phẩm, giảm 10,6% so tháng trước; 2 tháng xuất 11.380 ngàn sản phẩm, giảm 9,6% so cùng kỳ, về giá trị đạt 78,2 triệu USD, tăng 11,3% so cùng kỳ. Năm 2018 phí bảo hiểm xã hội được tính trên tổng thu nhập sẽ làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng đột biến. Ngoài ra, sản phẩm dệt may phải gánh chịu chi phí vận chuyển, chi phí làm thủ tục hành chính, chi phí hải quan… cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 - 45 ngày xuống còn 15 ngày tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp, từ đó cho thấy thị trường xuất khẩu hàng may mặc cũng chưa thực sự thuận lợi.

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng đạt 78,7 triệu USD, giảm 0,3% so tháng trước. 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 157,6 triệu USD, tăng 7,4% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước đạt 19,9 triệu USD, giảm 21,6%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 137,7 triệu USD, tăng 13,4% so cùng kỳ. Trị giá nhập khẩu phân theo ngành sản xuất kinh doanh chính gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp bán buôn bán lẻ. Ước tính tháng 2/2018 ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 77,8 triệu USD, 2 tháng nhập 154,9 triệu USD, tăng 6,2%, trong đó nhập khẩu cho sản xuất chế biến thực phẩm 11,9 triệu USD giảm 0,8%, may mặc 24,9 triệu USD, giảm 19,5%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan 9,6 triệu USD, giảm 75,7%, sản xuất kim loại 96,5 triệu USD, tăng 75,8% so cùng kỳ. Nhập khẩu hàng hóa đạt 2,7 triệu USD, tăng 184% so cùng kỳ.

    c. Chỉ số giá:

    Nhìn chung thị trường và giá cả tháng 01/2018 tại Tiền Giang khá ổn định, riêng mặc hàng quần áo, giày dép sức mua có tăng nhẹ do nhu cầu mua sắm ngày Tết Nguyên Đán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2018 tăng 0,37% so với tháng trước (thành thị tăng 0,41%, nông thôn tăng 0,36%), so cùng tháng năm trước tăng 4,21%.

    Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm hàng tăng: cao nhất là nhóm giao thông tăng 1,71%; kế đến là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,46%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%... Có 2 nhóm giảm: bưu chính viễn thông giảm 0,03% và văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,23%. Riêng nhóm hàng giáo dục chỉ số giá so tháng trước ổn định.

    Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2018 tăng so tháng trước chủ yếu do:

    - Nhu cầu nguyên liệu dùng để chế biến lương thực phục vụ thị trường Tết tăng, nên giá gạo tẻ thường tăng 0,15%, bột mì tăng 0,51%... tác động nhóm lương thực tăng 0,26%. Cùng với đó, giá thịt gia súc tươi sống tăng 2,48%, thịt gia cầm tươi sống tăng 1,77%, trứng gia cầm tăng 3,42%, thủy hải sản tươi sống tăng 1,63%... tác động nhóm thực phẩm tăng 0,59%.

    - Nhu cầu may mặc và mua sắm quần áo vào thời điểm cuối năm tăng, nên giá quần, áo và tiền công may quần áo tăng bình quân từ 2% đến 5% so tháng trước.

    - Thực hiện Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương giá điện bình quân điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 01/12/2017; Giá nước sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 01/12/2017 thực hiện theo Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND ngày 01/11/2017 của UBND tỉnh Tiền Giang (do quy định tính tiền điện, nước sinh hoạt: tiêu thụ trước, trả tiền sau) tác động nhóm điện, nước, nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tháng này tăng 0, 24%.

    - Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào ngày 04/01 và ngày 19/01/2018. Tính chung: Xăng A95 tăng 1.100 đồng/lít, xăng E5 tăng 430 đồng/lít, dầu Diezen 0,05S tăng 430 đồng/lít, tác động đến chỉ số giá nhóm hàng nhiên liệu tăng 3,17%.

    Ngoài ra, còn một số nguyên nhân làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2018 giảm so tháng trước:

    - Hiện nay các nhà vườn đang vào vụ thu hoạch rau xanh, quả tươi nên sản lượng dồi dào, giá bán lẻ tại các chợ giảm nhẹ. Cùng với đó, giá hạt tiêu đen giảm 5,1%, giá đường ăn giảm 0,49% do nguồn cung dồi dào trong khi đó nhu cầu của người tiêu dùng có hạn.

    - Thời điểm cuối năm các cửa hàng kim khí điện máy đồng loạt áp dụng giá khuyến mãi các sản phẩm tiêu dùng như: tivi, tủ lạnh, máy giặt... dẫn đến nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,23%.

    Chỉ số giá vàng trong tháng tăng 2,35% so tháng trước, giá bình quân 3,6 triệu đồng/chỉ, tăng 311.000 đồng/chỉ so cùng kỳ. Chỉ số đô la Mỹ giảm 0,03% so tháng trước, giá bình quân 22.744 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD so cùng kỳ.

    d. Du lịch:

    Trong tháng, khách du lịch đến Tiền Giang 160,8 ngàn lượt khách, tăng 3% so tháng trước và tăng 11,9% so cùng kỳ; trong đó khách du lịch quốc tế 52,3 ngàn lượt khách, tăng 10% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 496,2 tỷ đồng, giảm 5,8% so tháng trước và tăng 12,3% so cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm lượt khách du lịch đến Tiền Giang 316,9 ngàn lượt, tăng 11,2% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 104,2 ngàn lượt, tăng 9,3%; tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch được 965,3 tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ, trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm 95,6% trong tổng doanh thu.

    Ngày 28/01/2018, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ xanh DP (Greenlines DP) đã tổ chức khai trương và đưa vào vận hành tuyến vận tải hành khách bằng tàu thủy cao tốc Bến Tre - Mỹ Tho - Vũng Tàu. Tuyến vận tải hành khách Bến Tre - Mỹ Tho - Vũng Tàu bằng tàu thủy cao tốc hai thân, thời gian chạy dự kiến 135 phút có giá vé trẻ em 140.000 đồng/lượt, người lớn 290.000 đồng/lượt, người già 200.000 đồng/lượt, miễn phí đối trẻ nhỏ từ 6 tuổi trở xuống, mẹ Việt Nam anh hùng và người khuyết tật. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu, hành khách sẽ nhận được khuyến mãi đặc biệt, giảm 50% giá vé. Greenlines DP sẽ sử dụng loại 96 chỗ ngồi đối với tàu loại nhỏ và 130 chỗ ngồi với tàu loại lớn. Ở Tiền Giang, bến được đặt tại Bến tàu Mỹ Tho (đường 30-4), hiện nay đang chờ cấp giấy phép hoạt động. Với việc khai trương tuyến tàu cao tốc trên tạo ra sự gắn kết giao thông vận tải cũng như thúc đẩy việc phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

    e. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 193,5 tỷ đồng, tăng 2% so tháng trước. Tính chung hai tháng thực hiện 383,1 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ; trong đó: vận tải hành khách thực hiện 128,8 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 225,4 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 28,9 tỷ đồng, tăng 26,5% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách trong tháng đạt 2.720 ngàn hành khách, tăng 5,3% so tháng trước; luân chuyển được 108.304 ngàn hành khách.km, tăng 5,4% so tháng trước. Hai tháng, vận chuyển 5.304 ngàn hành khách, giảm 5% so cùng kỳ; luân chuyển 211.021 ngàn hành khách.km, tăng 9,25 so cùng kỳ. Trong đó: vận chuyển đường bộ 3.488 ngàn hành khách, giảm 7,5% và luân chuyển 207.788 ngàn hành khách.km, tăng 9,2% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy nội địa 1.816 ngàn hành khách, tăng 0,4% và luân chuyển 3.233 ngàn hành khách.km, tăng 7,5% so cùng kỳ. Do nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong thời gian trước và sau Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, nên doanh thu, sản lượng vận chuyển, luân chuyển của hành khách tăng so tháng trước. Tình hình trước Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 các ngành chức năng phối hợp với địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đối với phương tiện vận chuyển hành khách các đơn vị kinh doanh tại địa phương đã tiến hành công tác kê khai giá, chấp hành nghiêm quy định bến bãi như đón và trả khách đúng nơi quy định, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông thời gian cao điểm.

    Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.317 ngàn tấn, giảm 5,6% so tháng trước; luân chuyển 143.738 ngàn tấn.km, giảm 6,4% so tháng trước. Hai tháng, vận tải 2.712 ngàn tấn hàng hóa, tăng 9,4% so cùng kỳ; luân chuyển 297.326 ngàn tấn.km, tăng 31,1% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải đường bộ 743 ngàn tấn, giảm 5,9% và luân chuyển 68.252 ngàn tấn.km, tăng 19,3% so cùng kỳ; vận tải đường thủy nội địa 1.969 ngàn tấn, tăng 16,6% và luân chuyển 229.074 ngàn tấn.km, tăng 35,1% so cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển giảm so tháng trước là do trong tháng 02 trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, các phương tiện vận tải hàng hóa tạm ngưng hoạt động .

    f. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu trong tháng đạt 228,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so tháng trước. Hai tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 446,9 tỷ đồng, tăng 3,8% so cùng kỳ; gồm doanh thu bưu chính đạt 25,3 tỷ đồng, tăng 167,7% và viễn thông 421,6 tỷ đồng, tăng 0,1%.

    Thuê bao điện thoại trong tháng tăng 1.030 thuê bao, trong đó thuê bao cố định giảm 1.070 thuê bao, di động trả sau tăng 2.100 thuê bao. Tổng số thuê bao có trên mạng đến cuối tháng 2 là 121.150 thuê bao, mật độ điện thoại bình quân đạt 6,9 thuê bao/100 dân. Thuê bao Internet trong tháng phát triển mới 6.782 thuê bao, thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 2 là 164.860 thuê bao, mật độ internet bình quân 9,4 thuê bao/100 dân.

    5. Tài chính - Ngân hàng:

    a. Tài chính:

    Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng được 931 tỷ đồng, trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 741 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm thu 2.039 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch, giảm 0,9% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 1.659 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch, tăng 13,6% so cùng kỳ, đáp ứng đầy đủ kịp thời nhu cầu chi tiêu của tỉnh trong những tháng đầu năm (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 440 tỷ đồng, tăng 5%; thu từ doanh nghiệp nhà nước 50 tỷ đồng, tăng 26%; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh 307 tỷ đồng, tăng 35,4%...).

    Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 450 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm chi 797,6 tỷ đồng, giảm 42% so cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển 82 tỷ đồng, bằng 21,1% so cùng kỳ; chi thường xuyên 684,7 tỷ đồng, giảm 8,1% so cùng kỳ (trong chi thường xuyên: chi hành chánh sự nghiệp 640,7 tỷ đồng, giảm 10,3% so cùng kỳ...).

    b. Ngân hàng:

    Tổng thu tiền mặt trong tháng thực hiện được 14.000 tỷ đồng, hai tháng đầu năm thực hiện được 29.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Tổng chi tiền mặt trong tháng được 14.500 tỷ đồng, hai tháng đầu năm thực hiện được 30.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so cùng kỳ.

    Ước đến cuối tháng 02/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 58.316 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng 01/2018, tăng 20,5% so cùng kỳ.

    Đến ngày 09/02/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 41.286 tỷ đồng, giảm 600 tỷ đồng so cuối tháng 01/2018. Ước đến cuối tháng 02/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 41.927 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 19,3%.

    6. Khoa học công nghệ:

    Trong tháng Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở: ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp trong nhà màng trong canh tác dưa lưới tại thị xã Cai Lậy; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp trong nhà màng trong canh tác dưa lưới tại thị xã Gò Công; ứng dụng công nghệ cao trong canh tác các loại rau quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Cái Bè; ứng dụng công nghệ cao trong canh tác các loại rau quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Chợ Gạo. Đến tháng 2, đã thực hiện 8 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 1 cấp tỉnh. Nghiệm thu kết thúc 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở. Trong đó, tập trung cho các nội dung công việc: thẩm định nội dung, kinh phí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hướng dẫn lập hồ sơ sở hữu trí tuệ; kiểm định phương tiện đo; chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh; sản xuất các sản phẩm composite, nấm các loại...

    B. Các vấn đề xã hội

    1. Lao động việc làm:

    Từ đầu năm đến nay đã tư vấn cho 3.970 lượt lao động, đạt 22,1% kế hoạch năm, cụ thể: tư vấn nghề cho 78 lượt lao động, tư vấn việc làm 1.545 lượt lao động, tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp là 2.296 lượt lao động, tư vấn pháp luật và tư vấn khác cho 51 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 748 lượt lao động (đạt 29,9% kế hoạch năm), có 372 lao động có việc làm ổn định, có 28 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản và Đài Loan, có 2.232 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cho 2.319 người với số tiền chi trả tương đương 25.805 triệu đồng.

    2. Chính sách xã hội:

    Việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội, cho các gia đình nghèo… đều được Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể, các doanh nghiệp phối hợp thực hiện tốt, đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo, công nhân - lao động có điều kiện đón xuân, vui tết. Xuân Mậu Tuất 2018 các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đến thăm tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo. Cụ thể: tặng quà của Chủ tịch nước (nguồn kinh phí Trung ương) cho 44.738 đối tượng người có công với kinh phí trên 9,1 tỷ đồng; trợ cấp của tỉnh (nguồn kinh phí địa phương) tặng cho 65.544 người với số tiền 10.742 triệu đồng; Đoàn Thường vụ Tỉnh ủy đi thăm 1.094 phần quà cho gia đình chính sách tiêu biểu và một số đơn vị tập trung với số tiền 451,4 triệu đồng; quà tặng Chủ tịch nước cho 30 hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng; tặng quà cho người cao tuổi 1.711 người 100 tuổi và 90 tuổi với số tiền 796 triệu đồng; nguồn xã hội hóa tặng 97.306 phần quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 30,4 tỷ đồng...

    Quỹ bảo trợ trẻ em vận động được hàng hóa trị giá 50 triệu đồng, hỗ trợ cho 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Mặt trận tổ quốc các cấp vận động quà Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là 109.400 phần, tổng trị giá trên 31,2 tỷ đồng. Phối hợp với Ban Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang tặng 700 phần quà cho các hộ cận nghèo tại các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công; Mặt trận tổ quốc huyện Tân Phú Đông phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Tiền Giang bàn giao 5 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; Mặt trận tổ quốc thị xã Gò Công vận động các nhà tài trợ đóng góp, xây dựng 4 căn nhà đại đoàn kết với số tiền 120 triệu đồng.

    3. Chăm sóc sức khỏe:

    Ngành Y tế đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ cho bệnh nhân trong những ngày Tết. Ngành đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, mua bán bánh kẹo, lương thực thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc xảy ra, đảm bảo sức khỏe của nhân dân trước, trong và sau Tết; đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác. So với cùng kỳ có 8 bệnh tăng, 7 bệnh giảm, các bệnh khác tương đương và không xảy ra cas mắc. Những bệnh tăng như: bệnh quai bị tăng 182,6%, bệnh sốt rét tăng 100%, bệnh lao phổi tăng 97%, bệnh thủy đậu tăng 83,3%, bệnh tay chân miệng tăng 0,5%...; những bệnh giảm như bệnh thương hàn giảm 100%, bệnh viêm gan vi rút B giảm 87,5%, bệnh viêm gan vi rút A giảm 71,9%, bệnh viêm não vi rút khác giảm 50%...

    Công tác hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo. Từ đầu năm đến nay đã khám chữa bệnh cho 999.840 lượt người, tăng 5,4% so cùng kỳ; trong đó, số người điều trị nội trú là 42.198 người, giảm 1,1% so cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 104,6%, trong đó: công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 118,1%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 98,5%, các bệnh viện tuyến huyện đạt 55,8%... Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ngành y tế quan tâm, trong tháng ngành phối hợp kiểm tra 1.532 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; có 94% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

    Một số bệnh truyền nhiễm: bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra 248 cas giảm 40,8% so cùng kỳ, không có tử vong; bệnh HIV có 23 cas nhiễm mới; bệnh AIDS có 1 cas nhiễm mới. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cas nhiễm HIV là 4.836 người, tổng số cas AIDS là 1.711 người, tử vong 933 người…

    4. Giáo dục - Đào tạo:

    Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm học kỳ 2; tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học.

    Kết quả các môn kiểm tra học kỳ 1 khối 12 các trường trung học phổ thông, tỷ lệ trên trung bình: môn Giáo dục quốc phòng 99,8%, Giáo dục công dân 98,7%, Tin học 98,4%, Địa lý 93,9%, Lịch sử 93%, Ngữ văn 86,9%, Hóa học 85,5%, Toán học 83,7%, Sinh học 82,6%, Vật lý 80,4%, Tiếng Anh 80%; Tỷ lệ trên trung bình các bài kiểm tra học kỳ 1 khối 9 các trường trung học cơ sở: môn Tin học 96,3%, Công nghệ 96%, Giáo dục công dân 93,3%, Lịch sử 83,4%, Địa lý 81,6%, Ngữ văn 81,4%, Tiếng Anh 78%, Sinh học 77,9%, Vật lý 72,5%, Toán học 64,7%, Hóa học 61,7%.

    Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông năm 2018 đạt 9 giải, trong đó có 2 giải nhì (Sinh học), 1 giải ba (Địa lý), 6 giải khuyến khích (Sinh học, Tin học, Toán, Tiếng Anh, Tiếng Pháp) thuộc các trường trung học phổ thông Chuyên (7 giải), trung học phổ thông Trương Định (1 giải), trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (1 giải); xếp hạng 56/70 đơn vị dự thi toàn quốc; xếp hạng 6/13 đồng bằng Sông Cửu Long.

    5. Văn hóa - Thể thao:

    Trong tháng tổ chức tuyên truyền các hoạt động trọng tâm như: kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và Mừng Xuân Mậu Tuất năm 2018; lễ trao Huân chương Độc lập; họp mặt Văn nghệ sĩ; lễ động thổ Sân lễ Quảng trường Trung tâm và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang; kỷ niệm 233 năm chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút; kỷ niệm 147 năm Ngày hy sinh của Tứ kiệt Cai Lậy; phục vụ Hội trại “Xuân nghĩa tình - Tết biển đảo” năm 2018 khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại đền thờ Trương Định xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông… Thông qua các hoạt động này đội thông tin lưu động tỉnh tổ chức biểu diễn 18 buổi, phục vụ nhân dân các huyện, thành, thị trong tỉnh; tuyên truyền Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2018-2023 với số lượng 500 lá cờ trên các tuyến đường chính thuộc nội ô Thành phố Mỹ Tho; trang trí Tết Nguyên đán trên các tuyến đường được phân cấp trong nội ô thành phố Mỹ Tho với 400 lá cờ các loại… Ngoài ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực diễn ra đáp ứng nhu cầu công chúng trong dịp đón Xuân. Có 10/11 huyện, thành, thị tổ chức Hội Xuân (trừ huyện Cai Lậy do không có mặt bằng). Tại các khu Hội Xuân của các huyện, thành, thị đã tổ chức nhiều cuộc hội thi, liên hoan đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí thiết thực của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia trong các ngày tết. Nổi bật là đường hoa Hùng Vương dài 450 mét phục vụ người dân tham quan du lịch; tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa tầm thấp vào đêm giao thừa tại thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho; kinh phí bắn và đốt pháo hoa được vận động từ nguồn xã hội hóa.

    Phong trào thể dục thể thao quần chúng trên toàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển như tổ chức các môn Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh lần thứ VIII: giải Việt dã Báo Ấp Bắc lần thứ 35; giải đẩy gậy, kéo co, cờ tướng; giải Vovinam; giải Karatedo; giải Aerobic Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh lần thứ VIII; hội thi thể thao dân tộc Tết Mậu Tuất năm 2018.

    6. Tình hình an ninh trật tự xã hội: Theo báo cáo của Ngành công an:

    Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được kiểm soát. Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 71 vụ (giảm 8,9% so với tháng trước), làm chết 3 người, bị thương 10 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng; đã xảy ra 3 vụ giết người do nguyên nhân xã hội (Chợ Gạo, Gò Công Đông và thành phố Mỹ Tho); cố ý gây thương tích 5 vụ; cướp tài sản 3 vụ; cướp giật tài sản 4 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 3 vụ; hủy hoại tài sản 3 vụ; trộm cắp tài sản 49 vụ. Điều tra khám phá ban đầu 30 vụ, bắt xử lý 32 đối tượng thu hồi tài sản trị giá khoảng 216 triệu đồng.

    Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy: phát hiện, xử lý 19 vụ, 33 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; trong đó đã phát hiện 1 vụ, xử lý hình sự 7 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và xử lý hành chính 50 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại quán bar New Club, thành phố Mỹ Tho; đồng thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 221 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.

    Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường: phát hiện xử lý vi phạm hành chính 2 vụ, 2 đối tượng có hành vi sản xuất, mua bán hàng giả (nón bảo hiểm, nhang); 9 vụ, 8 đối tượng vận chuyển hàng cấm (thuốc lá ngoại nhập lậu); 13 vụ với 13 đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc (chủ yếu là kinh doanh trò chơi “game bắn cá”); 8 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, xử lý 8 trường hợp khai thác cát trái phép.

    7. Tình hình trật tự an toàn giao thông:

    Theo báo cáo của Ngành công an, từ 15/12/2017 đến 15/01/2018:

    Giao thông đường bộ: xảy ra 46 vụ, làm chết 24 người, bị thương 36 người; so tháng trước tai nạn tăng 7 vụ, số người chết tăng 2 người, số người bị thương tăng 14 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 5 vụ, số người chết giảm 8 người, số người bị thương tăng 18 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 9.429 vụ tăng 543 vụ so tháng trước và tăng 1.856 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 4.605 vụ, tước giấy phép lái xe 470 vụ, phạt tiền 3.071 vụ với số tiền phạt 2.925 triệu đồng.

    Giao thông đường thủy: xảy ra 2 vụ tai nạn, tương đương so tháng trước và tăng 1 vụ so cùng kỳ, làm chết 1 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 2.164 vụ tăng 269 vụ so tháng trước và tăng 1 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý vi phạm: Lập biên bản tạm giữ giấy tờ 351 vụ và phạt tiền 1.813 vụ với số tiền phạt: 191 triệu đồng.

    Tai nạn giao thông từ ngày 14/2 - 20/02/2018 (29 Tết đến mùng 5 Tết): tai nạn xảy ra 10 vụ, làm chết 11 người, bị thương 1 người. So với cùng kỳ tăng 3 vụ, số người chết tăng 4 người, va chạm giao thông xảy ra 5 vụ, làm bị thương 9 người. So với cùng kỳ số vụ va chạm giao thông tăng 3 vụ, số người bị thương tăng 7 người. Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xuất quân 384 ca với 1.136 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ, phát hiện và xử lý 482 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 104 xe, 129 giấy tờ xe, xử phạt 448 vụ với số tiền 165,8 triệu đồng; Giao thông đường thủy không xảy ra tai nạn. Cảnh sát giao thông đường thủy đã tổ chức ra quân 6 tổ với 18 đồng chí, kiểm tra 35 bến thủy nội địa với 33 phương tiện, vi phạm hành chính với số tiền trên 1,4 triệu đồng.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Trong tháng xảy ra 1 vụ cháy, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 10 triệu đồng, nguyên nhân do chập điện. Từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ cháy, tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 7,5 tỷ đồng. Vi phạm môi trường: phát hiện và lập hồ sơ xử lý 5 vụ, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước trên 72 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu do khai thác nước dưới dưới đất, khai thác khoáng sản không có giấy phép, không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. Từ đầu năm đến nay vi phạm mội trường 10 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 151 triệu đồng.

SL ước tháng 02-2018

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 17)
Trang:1 - 2Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 13
Truy cập: 2.004.445
Truy cập tháng: 77.667
User IP: 18.221.129.19

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn