Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2017
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 9 tháng năm 2017
Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 9 Năm 2017

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang

9 tháng năm 2017

    I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ

    1. Tăng trưởng kinh tế:

    Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 37.665 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 9,1% so với 9 tháng đầu năm 2016, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 16,4% và khu vực dịch vụ tăng 6,8% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8% so cùng kỳ. Trong 9,1% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,8% (cùng kỳ 1,2%), khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 5,1% (cùng kỳ 4,8%), khu vực dịch vụ đóng góp 1,9% (cùng 1,8%) và thuế là 0,3% tương đương so cùng kỳ. GRDP nếu tính theo giá hiện hành ước đạt 51.156 tỷ đồng. 

    Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 36,9% (cùng kỳ 37,9%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 30,2% (cùng kỳ 28,4%); khu vực dịch vụ chiếm 29,2% (cùng kỳ 30%); thuế sản phẩm chiếm 3,7% tương đương cùng kỳ.

    2. Tài chính - Ngân hàng:

    a. Tài chính:

    Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 9.581 tỷ đồng, đạt 101,8% dự toán, tăng 19% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 5.552 tỷ đồng, đạt 78,8% dự toán và tăng 9,5% so cùng kỳ, thu nội địa 5.320 tỷ đồng, đạt 79,5% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ (trong thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.642 tỷ đồng, đạt 83,8% dự toán, tăng 12,8% so cùng kỳ; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 739 tỷ đồng, đạt 61,6% dự toán, tăng 7,8% so cùng kỳ). Các khoản thu đáp ứng đầy đủ kịp thời nhu cầu chi tiêu của tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

    Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 6.598 tỷ đồng, đạt 76,2% dự toán, tăng 0,4% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 1.963 tỷ đồng, đạt 74,9% dự toán, tăng 2,3% so cùng kỳ; chi hành chánh sự nghiệp 4.147 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán và tăng 14,5% so cùng kỳ.

    b. Ngân hàng:

    Hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn vẫn ổn định và các chỉ tiêu có sự tăng trưởng so với đầu năm. Các ngân hàng chấp hành tốt trần lãi suất huy động theo quy định, một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ đối với các mức lãi suất huy động với kỳ hạn dài nên đã góp phần tăng trưởng nguồn vốn huy động trên địa bàn. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng liên tục tăng trưởng, đến nay đã tăng trưởng 12,9% so với đầu năm. Hoạt động tín dụng tương đối thuận lợi, tín dụng liên tục tăng trưởng qua các tháng, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 1,5%/tháng, trong đó tăng mạnh nhất vào tháng 3, tháng 4.

    Tổng thu tiền mặt 9 tháng ước thực hiện được 176.317 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ; tổng chi tiền mặt thực hiện được 176.582 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 8 đạt 53.991 tỷ đồng, tăng 5.907 tỷ đồng so đầu năm; ước đến cuối tháng 9 tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 54.423 tỷ đồng, tăng 6.339 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó huy động từ tiền gửi tiết kiệm chiếm 84,7% trên tổng vốn huy động. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 8 đạt 39.790 tỷ đồng, tăng 4.721 tỷ đồng so đầu năm; ước đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay đạt 40.188 tỷ đồng, tăng 5.119 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó dư nợ trung và dài hạn chiếm 43,1%.

    3. Đầu tư và xây dựng:

    Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng ước thực hiện 20.475 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư xây dựng cơ bản 15.270 tỷ đồng, chiếm 74,6%), đạt 70,4% kế hoạch, tăng 9,1% so cùng kỳ; trong tổng số vốn đầu tư: khu vực vốn nhà nước 2.048,8 tỷ đồng, giảm 5,1%, chiếm 10% tổng vốn đầu tư, khu vực vốn ngoài nhà nước 13.698,6 tỷ đồng, tăng 11,3%, chiếm 66,9%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4.727,6 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ.

    Vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng ước thực hiện 1.571,2 tỷ đồng, đạt 62,8% kế hoạch, tăng 10,6% so cùng kỳ; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.223 tỷ đồng, chiếm 77,8% tổng số, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 239,2 tỷ đồng, chiếm 15,2%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã 109 tỷ đồng, chiếm 7%.

    4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:

    Nông nghiệp:

    Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đến cuối tháng 9 đã kết thúc kế hoạch gieo trồng năm 2017, ước thực hiện được 214.609 ha, đạt 103,4% kế hoạch, giảm 2,3% so cùng kỳ do chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ yếu; trong đó cây lúa 210.184 ha, đạt 103,4% kế hoạch, giảm 2,4% so cùng kỳ. Sản lượng cây lương thực có hạt đã thu hoạch được 1.116.375 tấn, đạt 91,2% kế hoạch (vụ Thu Đông chưa thu hoạch); chủ yếu là sản lượng lúa đạt 1.104.099 tấn, đạt 91,4% kế hoạch, giảm 0,1% so cùng kỳ.

    - Cùng với việc gieo sạ cây lúa, 9 tháng trên địa bàn tỉnh gieo trồng được 4.020 ha bắp, đạt 91,6% kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ; thu hoạch 3.410 ha, năng suất bình quân 36 tạ/ha, sản lượng 12.276 tấn. Cây chất bột có củ trồng được 1.152 ha, đạt 124% kế hoạch và giảm 5,8% so cùng kỳ, trong đó diện tích khoai mỡ là 596 ha. Cây rau đậu các loại trồng được 53.200 ha, đạt 98,6% kế hoạch và tăng 2%, đã thu hoạch 44.151 ha, năng suất bình quân 178,8 tạ/ha tương đương cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 789.373 tấn, đạt 80,7% kế hoạch, tăng 2,3% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 53.029 ha, tăng 2%, đã thu hoạch 44.059 ha, năng suất bình quân 179,1 tạ/ha với sản lượng 789.097 tấn. Cây công nghiệp hàng năm trồng được 484 ha, giảm 12% so cùng kỳ, trong đó diện tích lạc 326 ha, giảm 16,1%, mía 158 ha, giảm 2,4%.

    - Cây lâu năm và cây ăn quả: có 93.281 ha, đạt 103% kế hoạch, tăng 4,1% so cùng kỳ; trong đó cây ăn quả 74.935 ha, tăng 3% so cùng kỳ, chủ yếu tăng ở thanh long 1.283 ha, dứa 1.190 ha... Sản lượng cây lâu năm và cây ăn quả 9 tháng ước tính thu hoạch 1,2 triệu tấn, đạt 80% kế hoạch, tăng 0,9% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng cây ăn quả 1,1 triệu tấn, tăng 0,7% so cùng kỳ; chủ yếu ở một số cây như thanh long, dứa, mãng cầu, ổi... nguyên nhân do việc mở rộng diện tích gieo trồng trong những năm trước nay đã tới mùa cho quả cộng với việc xử lý cho quả trái vụ là 2 yếu tố chính làm tăng sản lượng.

    Kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/7/2017 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn lợn 710,8 ngàn con, đàn gia cầm 13,6 triệu con, ước đàn bò 114 ngàn con; so với cùng kỳ: đàn bò tăng 23,6%, đàn lợn giảm 1%, đàn gia cầm tăng 6%. Thời gian dài, giá lợn hơi luôn ở mức thấp, dao động trong khoảng 2,3 - 2,8 triệu đồng/tạ; với giá này, người chăn nuôi thua lỗ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/con. Những ngày giữa tháng 7/2017 giá lợn hơi có tăng lên khoảng 1 triệu đồng/tạ (giá từ 3,5 - 4,2 triệu đồng/tạ) do có thông tin thị trường Trung Quốc đã mở cửa lại. Mặt khác, số lợn tồn đã hết do thiếu nguồn cung cục bộ. Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua, số lợn đến kỳ xuất chuồng bán đồng loạt một lúc cho nên lứa lợn kế tiếp chưa kịp lớn, trong khi đó, số lượng lợn để thịt lại thiếu nên thị trường khan hiếm tạm thời. Đồng thời, có hiện tượng một số trang trại có lợn đến tuổi xuất chuồng rồi vẫn giữ lại đợi giá lên để bán, đấy cũng là nguyên nhân làm cho giá lợn tăng. Tuy nhiên, giá này chỉ sốt trong khoảng 2 - 3 ngày rồi giảm trở lại. Hiện nay, giá lợn hơi dao động ở mức 2,8 - 3,1 triệu đồng/tạ (nếu giá còn tăng cao nữa chắc chắn sẽ tác động đến thị trường). Do đó, người chăn nuôi cần phải cảnh giác với hiện tượng giá tăng cao bất thường.

     Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đến 15/9/2017:

    - Cây lúa: do một số vùng gieo sạ không đúng theo lịch thời vụ khuyến cáo, trên một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau đan xen tạo điều kiện cho rầy nâu xuất hiện với diện tích 10.650 ha, cao hơn năm trước 3.775 ha. Tuy nhiên, do phát hiện sớm, kịp thời hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trị phù hợp nên các diện tích này đã được khống chế nhanh gọn. Ngoài ra còn có chuột và muỗi hành xuất hiện và gây hại cục bộ trên lúa Đông Xuân 2016-2017, các đối tượng dịch hại khác xuất với mật số thấp.

    - Cây rau, màu: có khoảng 30 ha đã xuất hiện những triệu chứng bất thường (bụi sả lùn, đẻ nhánh nhỏ, xoắn đọt, rễ bị tuột vỏ, lá có đốm) tại huyện Tân Phú Đông vào đầu tháng 3/2017. Kết quả phân tích có hiện diện của nấm đốm nâu Curvularia sp trên lá và tuyến trùng Meloidogyne, Pratylenchus sp; nấm Fusarium sp trên rễ. Ngành chuyên môn đã phối hợp với đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp phòng trị.

    - Cây ăn trái: cây vú sữa bị bệnh thối rễ khô cành tiếp tục phát triển đặc biệt là trên những vườn vú sữa già cỗi do nông dân đầu tư thâm canh cao nhưng chưa áp dụng hợp lý các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; cây thanh long có 498 ha có bệnh đốm nâu, đã hướng dẫn nông dân vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, trái bệnh đem tiêu hủy để chuẩn bị xông đèn nên hiện diện tích có bệnh giảm còn 408 ha.

    - Gia súc, gia cầm: có 1 trường hợp nghi ngờ bệnh đóng dấu trên lợn tại xã Tam Hiệp huyện Châu Thành với tổng đàn 101 con (số bệnh: 17 con; chết: 10 con) và 2 trường hợp bệnh lở mồm long móng trên lợn ở huyện Gò Công Tây với số lượng 16 con, đã tổ chức tiêu hủy; xác minh 4 trường hợp bệnh cúm gia cầm tại huyện Cái Bè và Cai Lậy với tổng đàn 2.753 con (tiêu hủy 1.699 con).

    Lâm nghiệp:

    Ước đến hết tháng 9 trồng cây phân tán được 2.244 ngàn cây các loại, giảm 3,3% so cùng kỳ. Sản lượng khai thác gỗ đạt 38.913 m3, tăng 0,9% so cùng kỳ và khai thác được 153.394 ste củi các loại, tăng 0,6% so cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 2.524 ha đất rừng (không gồm diện tích rừng thuộc đất quốc phòng an ninh) đã giao khoán bảo vệ 1.048 ha cho 148 cá nhân với kinh phí ước tính là 364 triệu đồng. Nhờ chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa khô nên 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Các địa phương luôn chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.

    Thủy, hải sản:

    Ước tính 9 tháng thả nuôi được 15.330 ha thủy sản các loại, đạt 96%, tăng 3,2% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi được 5.874 ha, đạt 90,3% kế hoạch, giảm 2% so cùng kỳ; nguyên nhân là do mực nước trên các sông ngòi, kênh rạch thấp nên một số hộ chưa tiến hành thả nuôi. Thủy sản nước mặn, lợ được 9.456 ha, đạt 99,9% kế hoạch, giảm 6,7% so cùng kỳ; trong đó: diện tích tôm sú 4.473 ha, tăng 4,5%, tôm thẻ 2.422 ha, tăng 23,5% so cùng kỳ.

    Về tình hình dịch bệnh: trên tôm từ đầu vụ đến nay đã có 111,4 ha tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh của 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông bị bệnh; ngành chuyên môn đã xác minh 67,4 ha, sử dụng 11.785 kg TCCA và 200 kg Chlorine để xử lý môi trường nuôi. Trên nghêu: vào giữa tháng 3/2017, nghêu nuôi ở huyện Gò Công Đông có chết rải rác ở những sân nuôi xa bờ, tỷ lệ chết từ 4 - 6% (riêng khu vực cồn Ông Mão có tỷ lệ chết cao hơn, khoảng 10 - 15% trên diện tích khoảng 50 ha), kích cỡ nghêu chết từ 40 - 60 con/kg (nghêu nhỏ không thấy chết); nguyên nhân là trong thời gian này gió chướng thổi mạnh, sóng to nên nghêu vùi sâu không lọc được thức ăn dẫn đến yếu và chết rải rác; từ tháng 4/2017 đến nay nghêu sinh trưởng, phát triển bình thường.

    Sản lượng thu hoạch 202.811 tấn, đạt 83,4% kế hoạch, tăng 5,4% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng từ nuôi 123.532 tấn, đạt 84,8% kế hoạch, tăng 4,9% so cùng kỳ, sản lượng khai thác 79.279 tấn, đạt 81,3% kế hoạch, tăng 6,3% so cùng kỳ. Sản lượng tăng cùng kỳ chủ yếu là do diện tích nuôi tăng, nhất là nuôi tôm thẻ nước lợ và thời tiết thuận lợi; ngư trường gần bờ xuất nhiều loại cá nên ngư dân vừa trúng mùa vừa được giá.

    5. Sản xuất công nghiệp:

    Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng tính theo giá so sánh 2010 được 69.973,4 tỷ đồng, đạt 73,6% kế hoạch, tăng 18,5% so cùng kỳ. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước thực hiện 877,2 tỷ đồng, tăng 9,4; khu vực kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 37.036,2 tỷ đồng, tăng 10,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 32.059,9 tỷ đồng, tăng 29,2% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: ngành công nghiệp chế biến chế tạo thực hiện 69.295,9 tỷ đồng, tăng 18,5%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 340,1 tỷ đồng, tăng 17,3%, ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thực hiện 337,4 tỷ đồng, tăng 19,8% và ngành công nghiệp khai khoáng đạt 0,04 tỷ đồng, giảm 48,1% so cùng kỳ.

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 giảm 1% so tháng trước; tăng 13,4% so cùng kỳ, do các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất tiếp tục tăng so cùng kỳ; trong đó: ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,3%, sản xuất đồ uống tăng 28%, sản xuất trang phục tăng 10,8%, sản xuất da tăng 19,3%, sản xuất kim loại tăng 11,1%.... Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 16,3% so với cùng kỳ, bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% so cùng kỳ (theo giá so sánh 2015).

    Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 so với tháng trước tăng 0,4%. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng tăng 54,1% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: chế biến bảo quản thủy sản tăng 58,7%, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 18,4%, sản xuất bia tăng 61,3%, sản xuất sợi tăng 125,5%, may trang phục bằng gấp 6,1 lần, sản xuất va ly túi xách tăng 165,8%. Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ trong 9 tháng giảm so với cùng kỳ là: sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại giảm 0,3%, sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 28,6%.

    Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 so với tháng trước tăng 17,1%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước là: chế biến bảo quản thủy sản tăng 1,8%, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 46,4%, sản xuất bia tăng 57,1%, sản xuất giày dép tăng 20,4%, sản xuất sản phẩm khác từ gỗ tăng 105,5%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 119,1%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với tháng trước là: sản xuất sợi giảm 36,9%, may trang phục giảm 1,6%, sản xuất va ly túi xách giảm 16,3%, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 16%, sản xuất kim loại giảm 4,9%, sản xuất dây cáp, dây điện giảm 40%....

    6. Thương mại, dịch vụ:

    a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội:

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng thực hiện 41.834,8 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch, tăng 6,2% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 3.448,5 tỷ đồng, tăng 2,6%; kinh tế ngoài nhà nước 38.162,4 tỷ đồng, tăng 6,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 223,9 tỷ đồng, tăng 2,8%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 33.869,9 tỷ đồng, tăng 5,6%; lưu trú 65,2 tỷ đồng, tăng 7,1%; ăn uống 3.931,9 tỷ đồng, tăng 15,5%; du lịch lữ hành đạt 56,3 tỷ đồng, tăng 16,1%; dịch vụ 3.911,5 tỷ đồng, tăng 2,7% so cùng kỳ.

    Trong 9 tháng qua, tình hình cung cầu, lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Vào các dịp Lễ, Tết như sức mua của người dân có tăng hơn bình thường. Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 có 7 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện, đã góp phần giúp bình ổn thị trường hàng hóa trong tỉnh, đảm bảo đủ nguồn cung, chất lượng an toàn với giá hợp lý, đặc biệt trong những thời điểm giá tăng cao.

    Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch đã tổ chức Hội chợ Đồ gỗ, Làng nghề và Thương mại Tiền Giang lần thứ I năm 2017 từ ngày 06-14/5/2017 tại Đường Hùng Vương, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho với kinh phí tổ chức được xã hội hóa 100%; tham gia hội chợ có 240 gian hàng của 130 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hội chợ thu hút hơn 65.000 lượt người đến tham quan mua sắm, doanh thu khoảng 6,2 tỷ đồng; tổ chức 02 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Cái Bè và Thị xã Gò Công; tham gia mỗi phiên chợ có trên 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao, thu hút hơn 16.000 lượt người tham quan mua sắm, doanh thu đạt 2,1 tỷ đồng. Sở Công thương tỉnh đã tổ chức điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Tân Phước: hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng; ký hợp đồng tuyên truyền với báo, đài, xe cổ động để tuyên truyền, quảng bá; tổ chức hội nghị...

     b. Xuất - Nhập khẩu:

    Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng được 1.842,3 triệu USD, đạt 78,4% kế hoạch, tăng 24% so cùng kỳ, gồm: kinh tế nhà nước thực hiện 51,8 triệu USD, gấp 5,9 lần; kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 513,6 triệu USD, tăng 20,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 1.276,9 triệu USD, tăng 21,7% so cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính 9 tháng xuất 101.690 tấn, tăng 9,8% so cùng kỳ, về trị giá đạt 300,6 triệu USD, tăng 54,9% so cùng kỳ. Cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường ủy thác hoặc tiểu ngạch có xu hướng tăng mạnh, nguồn cung cá nguyên liệu thiếu hụt là yếu tố thúc đẩy giá cá tra tiếp tục tăng.

    - Gạo: ước tính 9 tháng xuất 205.159 tấn, tăng 101,7%, về trị giá đạt 97,8 triệu USD, tăng 107,6% so cùng kỳ. Thị trường gạo luôn biến động trong quý I tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới sụt giảm, xu hướng tự túc lương thực, hạn chế nhập ở các nước tăng lên.

    - May mặc: ước tính 9 tháng xuất 56.987 ngàn sản phẩm, giảm 2,5% so cùng kỳ, về giá trị đạt 339,6 triệu USD, giảm 0,3% so cùng kỳ. Việc Anh rời khỏi liên minh châu Âu làm cho một số doanh nghiệp của tỉnh xuất vào thị trường này giảm 30 - 40%. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã giảm giá gia công từ 3 - 5%.

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa được 851,6 triệu USD, đạt 65,5% kế hoạch, giảm 3% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế ngoài nhà nước đạt 106 triệu USD, giảm 41,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 745,6 triệu USD, tăng 6,9%. Hàng hóa nhập khẩu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng sau: nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 328 triệu USD, giảm 6%; kim loại thường khác 220 triệu USD, tăng 43,7%; vải các loại 123,3%, giảm 13,4%; thức ăn gia súc và nguyên liệu 62,3 triệu USD, giảm 52% so cùng kỳ…

    c. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 9 tháng thực hiện 1.515,7 tỷ đồng, chủ yếu là thành phần kinh tế ngoài nhà nước, tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 488,7 tỷ đồng, tăng 0,5%, doanh thu vận tải hàng hóa 933,8 tỷ đồng, tăng 4,8% và doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 93,2 tỷ đồng, tăng 33,3% so cùng kỳ. Phân theo ngành: vận tải đường bộ 861 tỷ đồng, tăng 3,7%; vận tải đường sông 570,9 tỷ đồng, tăng 2,6%; vận tải đường biển 83,8 tỷ đồng, tăng 38,5% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách đạt 22.496 ngàn lượt khách, tăng 0,8% và luân chuyển được 808.381 ngàn lượt khách.km, giảm 1,9% so cùng kỳ; trong đó vận chuyển của cơ sở kinh tế cá thể đạt 17.007 ngàn lượt khách, tăng 5,1% và luân chuyển được 628.525 ngàn lượt khách.km, giảm 1,8%. Vận tải đường bộ thực hiện 15.041 ngàn lượt khách, giảm 5,4% và luân chuyển được 795.814 ngàn lượt khách.km, giảm 2,1% so cùng kỳ. Vận tải đường sông thực hiện 7.455 ngàn lượt khách, tăng 16,3% và luân chuyển được 12.567 ngàn lượt khách.km, giảm 10,9%.

    Vận tải hàng hóa đạt 11.273 ngàn tấn, tăng 6,4% và luân chuyển được 1.063.599 ngàn tấn.km, tăng 2,7% so cùng kỳ; trong đó cơ sở kinh tế cá thể đạt 4.953 ngàn tấn, tăng 17,4% và luân chuyển được 334.007 ngàn tấn.km, tăng 3,1%. Vận tải đường bộ thực hiện 3.465 ngàn tấn, tăng 25,4% và luân chuyển được 251.578 ngàn tấn.km, tăng 11,3% so cùng kỳ. Vận tải đường sông thực hiện 7.808 ngàn tấn, giảm 0,3% và luân chuyển được 812.021 ngàn tấn.km, tăng 0,3% so cùng kỳ.

    d. Du lịch:

    Số khách tham quan du lịch 1.259 ngàn lượt, đạt 68,9% kế hoạch, tăng 5,7% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 424,3 ngàn lượt, đạt 64,8% kế hoạch, tăng 7,6% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 4.053,4 tỷ đồng, tăng 15,4%; trong đó: chủ yếu là dịch vụ ăn uống 3.931,9 tỷ đồng, chiếm 97%. 9 tháng đầu năm là thời gian có nhiều dịp nghỉ Lễ Tết kéo dài, nhất là thời tiết hầu hết là mùa nắng, thuận lợi cho hoạt động du lịch tại địa phương cũng như trong vùng Đồng Bằng sông Cửu Long. Hiện nay, bên cạnh các điểm vui chơi, giải trí du lịch trong tỉnh thu hút khách mạnh trong các năm qua như Cù lao Thới Sơn, Chợ nổi Cái Bè, khu du lịch biển Tân Thành, trại rắn Đồng Tâm, chùa Vĩnh Tràng,… Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp viếng chùa, lễ Phật tại Thiền viện trúc lâm ở huyện Tân Phước đã trở thành

    e. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 1.520,9 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 76,8 tỷ đồng, tăng 53,5%, viễn thông đạt 1.444,1 tỷ đồng, tăng 8%. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, có 170 điểm phục vụ (gồm 109 điểm Bưu điện Văn hóa xã, 52 bưu cục và 9 đại lý bưu điện). Bán kính phục vụ bình quân ước đạt 2,2 km/điểm phục vụ; trong đó: khu vực nông thôn đạt 2,3 km/điểm phục vụ. Số dân phục vụ bình quân đạt 10.236 người/điểm phục vụ; trong đó: khu vực nông thôn đạt 10.565 người/điểm phục vụ; có 1.484 trạm thu phát sóng di động, tăng 50 trạm so với cùng kỳ năm trước, các mạng điện thoại di động chủ yếu sử dụng công nghệ GSM.

    Số thuê bao điện thoại trên mạng đến cuối tháng 9 là 119.360 thuê bao, mật độ điện thoại bình quân đạt 6,9 thuê bao/100 dân. Số thuê bao Internet trên mạng đến cuối tháng 9 là 142.294 thuê bao, mật độ Internet bình quân đạt 8,2 thuê bao/100 dân.

    7. Giá cả, lạm phát:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,65% so tháng 7 (khu vực thành thị tăng 0,59%, khu vực nông thôn tăng 0,66%); so cùng kỳ tăng 4,36%, so tháng 12 năm trước tăng 2,08%, bình quân 8 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,95%.

    So với tháng 7 có 10/11 nhóm hàng hóa có chỉ số tăng, tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 2,6%, kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,93%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,39%; nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,31%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,27%... Riêng chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

    Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng chủ yếu do:

    - Từ 01/7/2017 mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng dẫn đến mức đóng bảo hiểm y tế của công chức nhà nước và người lao động tự do tăng 7,43% so tháng trước, góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung khoảng 0,04%.

    - Giá thịt lợn, thịt gia cầm tăng trở lại từ giữa tháng 7 cho đến nay, thịt lợn tăng 6,22% (giá thịt lợn bán lẻ tăng từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg), thịt gia cầm tươi sống tăng 1,45%, trứng gia cầm các loại tăng 4,44%... tác động đến nhóm thực phẩm tăng 1,53%, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 8/2017 ở mức khoảng 0,34%.

    - Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng vào ngày 4/8 và 19/8/2017, tính chung mỗi lít xăng tăng 1.060 đồng, dầu diezen 0,05S tăng 470 đồng và dầu hỏa tăng 460 đồng/lít. Tác động đến nhóm nhiên liệu tăng 4,92%, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 8/2017 ở mức khoảng 0,22%.

    - Giá gas tăng 27.000 đồng/bình 12 kg vào ngày 01/8/2017, giá dầu hỏa tăng thêm 460 đồng/lít vào ngày 04/8/2017, tác động chỉ số giá gas và các loại chất đốt khác tăng 8,29%.

    - Bước vào năm học mới (2017-2018) giá sách giáo khoa lớp 10 chuẩn trọn bộ 22 quyển tăng 12,86%, bút viết các loại tăng 0,23%.

    Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm như:

    - Địa phương đang vào mùa thu hoạch trái cây nên giá các loại trái cây giảm như: cam ngọt giảm 10,38%, quýt đường giảm 3,79%, thanh long ruột trắng giảm 10,87%... tác động nhóm quả tươi và chế biến giảm 5,1%.

    - Thời tiết tại Tiền Giang có mưa nhiều, nên nhu cầu của người tiêu dùng tiêu thụ điện, nước ít hơn tháng trước, dẫn đến chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,51%, nước sinh hoạt giảm 0,12%.

    B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động, giải quyết việc làm:

    Tư vấn giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm tiếp tục được củng cố và tăng cường. Các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ, tư vấn giới thiệu việc làm ngày càng hiệu quả. Trong 9 tháng giải quyết việc làm cho 3.355 lao động đạt 67,1% kế hoạch năm, có 2.106 lao động có việc làm ổn định, có 123 lao động xuất cảnh chính thức, có 9.851 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng 13% so với cùng kỳ, có 9.641 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả tương đương 102.500 triệu đồng. Tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm có 39 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng 3.572 lao động. Nhìn chung, 9 tháng đầu năm công tác tư vấn giới thiệu làm cho người lao động được duy trì thực hiện tốt nên các doanh nghiệp và người lao động quan tâm, tin tưởng hơn.

    2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:

    Tình hình sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn như dịch bệnh vẫn còn xảy ra trên gia súc, gia cầm, giá bán sản phẩm một số loại cây trồng, thủy sản, vật nuôi không ổn định có lúc xuống thấp nhất là giá heo hơi… đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng với đoàn thể các cấp đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ như tổ chức dạy nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

    Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo tết cho đối tượng chính sách, hộ nghèo được triển khai thực hiện tốt, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tổ chức tặng quà, trợ cấp cho người có công, hộ nghèo, người cao tuổi và thăm các đơn vị tập trung trong dịp Tết Đinh Dậu năm 2017: tặng quà Chủ tịch nước cho 45.017 người có công với cách mạng (nguồn kinh phí Trung ương) với số tiền 9.195 triệu đồng; tặng quà từ nguồn kinh phí địa phương cho 65.383 người với số tiền 10.652 triệu đồng; tổ chức, phục vụ 15 đoàn thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thăm hộ gia đình chính sách tiêu biểu và các đơn vị tập trung kết hợp với thăm người cao tuổi và trợ cấp cho hộ nghèo từ nguồn kinh phí địa phương với tổng kinh phí 255 triệu đồng… Vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được 10,5 tỷ  đồng, đạt 105% kế hoạch năm; xây mới 87 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 3.520 triệu đồng, đạt 66,9% kế hoạch; sửa chữa 67 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1.415 triệu đồng đạt 191,4% kế hoạch từ nguồn vận động. Mặt trận tổ quốc các cấp tổ chức xây dựng 334 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, mỗi căn trị giá 25 – 30 triệu đồng.

    Công tác bảo trợ xã hội: tổng số đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng là: 64.170 người với kinh phí là 68.862 triệu đồng; hỗ trợ mai táng phí cho 997 người với kinh phí là 5.383 triệu đồng. Nhân dịp Tết nguyên đán 2017 Đoàn lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà cho 1.898 người cao tuổi với tổng kinh phí 720 triệu  đồng (trong đó tặng quà Chủ tịch nước là 98 người, quà của Ủy ban nhân dân tỉnh cho 1.800 người); tặng quà cho 493 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền trên 138 triệu đồng từ ngân sách tỉnh; thăm và tặng cho 134.197 hộ nghèo với kinh phí là 37,3 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và quà từ xã hội hoá; toàn tỉnh hiện có 05 cơ sở bảo trợ xã hội trong đó: 1 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc cơ sở bảo trợ tổng hợp, 2 cơ sở bảo trợ xã hội tôn giáo và 2 trung tâm ngoài công lập chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi được Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định thành lập và đang xây dựng.

    Công tác giảm nghèo: tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo và huy động nguồn lực trong nhân dân; tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn nhất để giảm hộ nghèo một cách bền vững; đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2016, theo chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh có 23.336 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,02% số hộ cả tỉnh; hộ cận nghèo là 17.325 hộ chiếm tỷ lệ 3,73% số hộ cả tỉnh.

    Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được chú trọng, tổ chức thực hiện  “Tháng hành động vì trẻ em” từ ngày 01/6 - 30/6/2017 với chủ đề  “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”... Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động trên 2 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 2.759 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong toàn tỉnh thông qua các hoạt động tặng học bổng, hỗ trợ máy trợ thính, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc và quà, hỗ trợ mổ tim…

    3. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

    Tình hình phòng chống dịch bệnh được theo dõi, giám sát thường xuyên, kết quả so với cùng kỳ có 10 bệnh tăng (thương hàn tăng 150%, lỵ trực trùng tăng 100%, thủy đậu tăng 84,1%, tay chân miệng tăng 90,7%...), có 7 bệnh giảm (bệnh sởi giảm 75%, viêm não vi rút giảm 50%, cúm giảm 66,7%, tiêu chảy giảm 13,7%...) và 11 bệnh tương đương không xảy ra cas mắc. Tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến hết sức phức tạp, Tiền Giang là một trong những tỉnh có số cas mắc bệnh cao, trong 9 tháng đầu năm có 2.167 cas mắc sốt xuất huyết tăng 30,6%, có 2 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết. Nhiễm HIV/AIDS: phát hiện 194 cas mới nhiễm HIV tăng 3 cas so cùng kỳ, số cas mới AIDS là 35 cas tăng 2 cas; lũy kế đến nay số người nhiễm HIV là 4.790 cas, số cas AIDS là 1.725 và tử vong do AIDS là 944 cas.

    Công tác khám chữa bệnh vẫn thường xuyên quá tải cục bộ vẫn còn xảy ra tại một số đơn vị, chủ yếu quá tải khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 100,2%, bệnh viện tuyến tỉnh đạt 119,2%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 82,2%, bệnh viện tuyến huyện đạt 66%..., đã khám chữa bệnh  4.216.526 lượt người tăng 8,8% so cùng kỳ, trong đó điều trị nội trú 178.078 lượt người tăng 3,1%.

    Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quan tâm thực hiện, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra 9.151 lượt cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, kết quả có 95,5% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; ngộ độc thức ăn và thực phẩm xảy ra 4 vụ, có 177 người mắc, không có trường hợp tử vong.

    4. Giáo dục - Đào tạo:

    Trong 9 tháng, toàn ngành đã thực hiện tốt các chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm như: tổng kết năm học 2016-2017; tổ chức tốt ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”; khai giảng năm học mới; tổ chức tốt các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; thi tuyển sinh lớp 10; tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2017-2018. Kết quả như sau:

    Giáo dục mầm non: Công nhận 11 đơn vị huyện, thị, thành tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi năm 2016; có 150/188 trường tổ chức bán trú với 1.247 nhóm, lớp; 75% trẻ được tổ chức bán trú, tăng 3%; phòng chống trẻ suy dinh dưỡng đạt hiệu quả: đầu năm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân nhà trẻ 3%, mẫu giáo 2,8%; thể thấp còi nhà trẻ 3,4%, mẫu giáo 2,2% đến cuối năm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân nhà trẻ 0,6%, mẫu giáo 0,6%; thể thấp còi nhà trẻ 1%, mẫu giáo 0,4%;…

    Giáo dục phổ thông:

    - Bậc Tiểu học: Tổng số 173 xã (phường, thị trấn), trong đó 1 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 đạt tỷ lệ 0,6%, 17 đơn vị mức độ 2 đạt tỷ lệ 9,8% và 155 đơn vị mức độ 3 đạt tỷ lệ 89,6%; tổng số 11 huyện (thị, thành), trong đó 4 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 đạt tỷ lệ 36,4%; 7 đơn vị mức độ 3 đạt tỷ lệ 63,6%.

    - Bậc Trung học: Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh thực hành thí nghiệm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cho học sinh trung học có 46 học sinh trung học cơ sở và 57 học sinh cấp trung học phổ thông đạt giải (6 giải nhất, 29 giải nhì, 30 giải ba và 38 giải khuyến khích); cuộc thi giải toán qua internet cấp tỉnh đạt 148 giải, cấp quốc gia đạt 28 giải (3 giải nhất, 15 giải nhì, 6 giải ba và 4 khuyến khích); cuộc thi Vật lí qua internet cấp tỉnh đạt 109 giải; cấp quốc gia đạt 22 giải (2 giải nhất, 11 giải nhì, 7 giải ba và 2 khuyến khích);…

    Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp: có 11/11 huyện, thị, thành phố tiếp tục đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

    - Về chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học: 99,99% số người từ 15-35 tuổi biết chữ (hết lớp 3); 99,46% số người từ 15-60 tuổi biết chữ (hết lớp 3); 93,38% số người từ 15-60 tuổi biết chữ (hết lớp 5); 99,97% trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học.

    - Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở: 89,76% thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở; tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

    Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục: Kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông có 15.603/17.396 học sinh trúng tuyển, đạt tỷ lệ 89,7% so với thí sinh đăng ký dự thi và chiếm 75,93% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2016-2017. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2017 của tỉnh đạt 98,51% (năm 2016 đạt tỷ lệ 92,87%); trong đó, hệ giáo dục phổ thông đạt 99,3% (năm 2016 đạt 95,19%); hệ giáo dục thường xuyên đạt 82,3% (năm 2016 đạt 60%).

    Chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2017 của trường Đại học Tiền Giang như sau: hệ đại học chính quy là 1.070 chỉ tiêu, số lượng nhập học tính đến ngày 1/9/2017 là 866 thí sinh đạt 80,9%; hệ cao đẳng 800 chỉ tiêu, số lượng nhập học là 513 thí sinh đạt 64,1%.

    5. Văn hóa, thể thao:

    Các hoạt động văn hóa, văn nghệ với nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, phong phú về nội dung gắn liền với các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước như: tổ chức Hội xuân, chợ hoa xuân đều khắp trên địa bàn các huyện, thành, thị; kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm ngày chiến thắng Cổ Cò; kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và giỗ tổ Hùng Vương; 70 năm ngày thương binh liệt sĩ; 72 năm ngày cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9… Đội thông tin lưu động tỉnh tổ chức 125 buổi sinh hoạt, có trên 8.600 lượt người tham dự, thực hiện 18 pano, 210 băng khẩu hiệu, 14 lượt xe loa cổ động và 1.600 cờ tuyên truyền các các sự kiện chính trị. Trung tâm văn hóa các huyện, thành, thị tổ chức 39 cuộc liên hoan, hội thi, 19 cuộc trưng bày, triển lãm, thực hiện 285 tấm pano, 2.300 băng-rôn, khẩu hiệu, hàng ngàn cờ các loại. Công tác Thanh - kiểm tra văn hóa cũng được quan tâm, trong 9 tháng đã tổ chức 13 cuộc với 101 lượt kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 36 vụ vi phạm, Sở tiếp nhận 2 đơn kiến nghị của công dân.

    Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: công nhận mới 3 ấp, khu phố văn hóa; 5 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 28 cơ sở thờ tự văn hóa và 38 con đường văn hóa.

    Phong trào thể dục - thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì. Tổ chức thành công giải Việt dã báo Ấp Bắc lần thứ 34, hội thi thể thao dân tộc và võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang... Thể thao thành tích cao: đoàn thể thao Tiền Giang tham gia Đại hội thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần VII năm 2017, kết quả: 41 HCV, 32 HCB và 48 HCĐ, xếp thứ 4/22 đoàn tham gia; tổ chức 11 giải thể thao cấp toàn quốc, khu vực và cấp tỉnh, tham gia 08 giải thể thao đạt: 24 HCV, 23 HCB và 17 HCĐ.

    6. Tình hình trật tự an toàn xã hội:

    Theo báo cáo của ngành Công an: tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định, tuy nhiên tội phạm về trật tự xã hội vẫn còn xảy ra 651 vụ, làm chết 29 người, bị thương 79 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 22 tỷ đồng; điều tra làm rõ 465 vụ, bắt xử lý 472 đối tượng; phát hiện bắt xử lý 333 vụ cờ bạc, mại dâm, xử lý 2.002 đối tượng tham gia; bắt, vận động đầu thú 62 đối tượng có lệnh truy nã (có 16 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm); tiếp nhận 2.018 tin báo, tố giác về tội phạm (đã xác minh, giải quyết 1.845 tin đạt 91,4%); phát hiện, khởi tố 1 vụ - 2 bị can can tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, làm thiệt hại tài sản khoảng 1,95 tỷ đồng; 1 vụ với 1 bị can can tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và xử lý vi phạm hành chính 293 trường hợp vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; phát hiện 55 vụ tội phạm về ma túy, xử lý 67 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; xử lý hành chính 2.247 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; phát hiện, xử lý 162 trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, 101 đối tượng lưu trú sử dụng trái phép chất ma túy, 5 đối tượng lưu trú để đánh bạc.

    7. Tình hình trật tự an toàn giao thông: Theo báo cáo của ngành công an tính đến ngày 15/8/2017:

    Giao thông đường bộ: Tai nạn xảy ra 246 vụ, làm chết 170 người, bị thương 148 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 45 vụ, số người chết tăng 5 người, số người bị thương giảm 69 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 63.237 vụ tăng 14.133 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 40.068 vụ, tước giấy phép lái xe 5.000 vụ, phạt tiền 23.153 vụ với số tiền phạt 24.873 triệu đồng.

    Giao thông đường thủy: Từ đầu năm đến nay xảy ra 3 vụ tai nạn giảm 2 vụ so cùng kỳ, làm chết 1 người tương đương so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 16.208 vụ tăng 2.900 vụ so cùng kỳ, đã xử lý  lập biên bản tạm giữ giấy tờ 2.880 vụ và phạt tiền 13.328 vụ với số tiền phạt 1.345 triệu đồng.

    * Tai nạn giao thông trong những ngày lễ 02/9 (từ 7 giờ ngày 01/9/2017 đến 7 giờ ngày 04/9/2017): Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 9 vụ tăng 3 vụ so cùng kỳ, làm chết 4 người tăng 1 người, làm bị thương 5 người tương đương so cùng kỳ. Nguyên nhân do lái xe mô tô đi không đúng phần đường, lái xe thiếu chú ý quan sát, lái xe ô tô vượt trái quy định, xe ô tô khách không nhường đường...; giao thông đường thủy: tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông không xảy ra.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường và công tác phòng chống lụt bão:

    Từ đầu năm đến nay xảy ra 28 vụ cháy, tổng giá trị tài sản thiệt hại ước tính trên 10,3 tỷ đồng. Vi phạm môi trường đã phát hiện 57 vụ, đã xử lý 41 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 915 triệu đồng; còn tồn lại 16 quyết định chưa thực hiện với số tiền phạt trên 676 triệu đồng, vi phạm chủ yếu do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, không có văn bản báo cáo cơ quan đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, gây tiếng ồn vượt chuẩn cho phép, khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép, hành nghề khoan thăm dò nước dưới đất không giấy phép, không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định, khai nước dưới đất không giấy phép hoặc vượt lưu lượng cho phép, lấn chiếm đất...

    Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến thiên tai trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công văn số 3939/UBND-KT ngày 18/8/2017 về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng cuối năm 2017.

SL ước tháng 9 -2017

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 38)
Trang:1 - 2 - 3 - 4Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 19
Truy cập: 1.934.075
Truy cập tháng: 50.508
User IP: 3.80.129.195

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn