Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2018
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018
Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 6 Năm 2018

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang

6 tháng đầu năm 2018

    I. Kinh tế

    1. Tăng trưởng kinh tế

    Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 29.356 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 7,2% so với 6 tháng đầu năm 2017, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,2% và khu vực dịch vụ tăng 5,8% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 5,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6% so cùng kỳ. Trong 7,2% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,1%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,5% và thuế là 0,2%. GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 41.735 tỷ đồng.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm 6 tháng qua hai năm

 

Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước - %

6 tháng

đầu năm 2017

6 tháng

đầu năm 2018

Tổng số

8,2

7,2

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

4,2

3,3

Khu vực công nghiệp và xây dựng

17,4

14,2

Khu vực dịch vụ

5,5

5,7

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

6,5

6,0

    - Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 41,9% (cùng kỳ 43,9%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 28,8% (cùng kỳ 26,6%); khu vực dịch vụ chiếm 26,4% (cùng kỳ 26,5%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,9% (cùng kỳ 3%).

    2. Tài chính, ngân hàng:

    Tài chính:  

    Tổng thu ngân sách ước 9.083,5 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.756,3 tỷ đồng, đạt 59,6% so dự toán và tăng 21,1% so cùng kỳ. Các khoản thu đạt cao so với cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.215,7 tỷ đồng, tăng 13,6%; thu từ doanh nghiệp nhà nước 125 tỷ đồng, tăng 35,1%; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh 730 tỷ đồng, tăng 37,9%...

    Tổng chi ngân sách nhà nước ước 4.953,4 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán, tăng 18,1% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 1.665,5 tỷ đồng, đạt 49,2% dự toán và tăng 36,4% so cùng kỳ, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc và các chủ đầu tư đang hoàn tất hồ sơ để tổ chức đấu thầu nên công tác giải ngân vốn còn chậm, nếu loại trừ chi tạm ứng đầu tư chưa thanh toán từ năm 2017 chuyển sang thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2018 là 405,9 tỷ đồng thì tổng chi đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm là 1.259,6 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán; chi thường xuyên 3.192 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán, tăng 9,7% so cùng kỳ.  

    Ngân hàng:

    Đến 31/5/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 59.254 tỷ đồng, tăng 1.421 tỷ đồng so đầu năm; trong đó: nguồn gửi tiết kiệm chiếm 85,7%, nguồn tiền gửi thanh toán chiếm 12,6% trong tổng vốn huy động… Ước đến cuối tháng 6/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 59.626 tỷ đồng, tăng 1.793 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 3,1%, so cùng kỳ tăng 8.019 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 15,7%... Đến 31/5/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 44.342 tỷ đồng, tăng 2.266 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 24.939 tỷ đồng, chiếm 56,2%. Dự kiến đến cuối tháng 6/2018, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 44.601 tỷ đồng, tăng 2.525 tỷ so với đầu năm, tỷ lệ tăng 6%, so cùng kỳ tăng 6.389 tỷ đồng, tăng 16,7%.

    3. Giá cả, lạm phát:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 so với tháng trước tăng 0,52% (thành thị tăng 0,55%, nông thôn tăng 0,51%); so với cùng kỳ tăng 3,97%; so với tháng 12 năm 2017 tăng 1,68%. Chỉ số giá bình quân 5 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ tăng 4,21%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng chủ yếu là do:

    - Giá thịt lợn tại địa phương liên tục tăng, nguyên nhân là do tổng đàn giảm sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại phải bỏ chuồng, hiện nay nguồn cung cấp thịt lợn ra thị trường chủ yếu từ các công ty chăn nuôi có quy mô lớn.

    - Giá rau tươi và chế biến tăng 0,89% do một số diện tích thu hoạch xong vụ đông xuân đang gieo trồng trở lại chưa thu hoạch nên sản lượng giảm, bên cạnh đó thời tiết mưa nhiều làm giảm năng suất nên giá tăng.

    - Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 8/5 và 23/5/2018 (tính chung: xăng tăng 1.010 đồng/lít; dầu Diezen 0,05S tăng 960 đồng/lít), dẫn đến nhóm nhiên liệu tăng 3,68%. Cùng với đó, ngày 01/5/2018 giá gas tăng 10.000 đồng/bình 12 kg (tăng 3,43%), giá dầu hỏa tăng 860 đồng/lít (tăng 5,88%), tác động nhóm gas và chất đốt tăng 2,72% so tháng trước.

    Bên cạnh đó, có một số nhóm hàng chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung như: đang vào vụ thu hoạch đậu ăn hạt đậu xanh, đỗ tương, lạc nên giá giảm nhẹ. Các loại trái cây giá giảm như: dứa, thanh long do thị trường xuất khẩu chậm... Tại Tiền Giang đang vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt giảm, nên giá bình quân giảm nhẹ.

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 5 giảm 0,76% so tháng trước, giá bình quân 3.673 ngàn đồng/chỉ.

    Chỉ số đô la Mỹ trong tháng 5 giảm 0,09% so tháng trước, giá bình quân 22.805 đồng/USD.

    4. Đầu tư và Xây dựng:

    Vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng thực hiện 11.600 tỷ đồng, đạt 36,8% kế hoạch, giảm 6,4% so cùng kỳ (trong đó: vốn đầu tư xây dựng cơ bản 8.395 tỷ đồng, chiếm 72,4% vốn đầu tư toàn xã hội), bao gồm: vốn Nhà nước 1.264 tỷ đồng, tăng 9,6%, đã triển khai thực hiện 162 công trình chuyển tiếp và 326 công trình khởi công mới và hoàn thành 45/488 công trình, dự án; vốn ngoài Nhà nước 7.768 tỷ đồng, giảm 8,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.568 tỷ đồng, giảm 6,5% chủ yếu thực hiện các dự án đăng ký đầu tư những năm trước còn các dự án mới đăng ký chậm triển khai thực hiện đầu tư.

    Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 6 tháng là 854,3 tỷ đồng, đạt 30,1% kế hoạch, tăng 5,3% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 671,6 tỷ đồng, tăng 8,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 145,4 tỷ đồng, giảm 3,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 37,3 tỷ đồng, giảm 13,7% so cùng kỳ.

    5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

    Ước thực hiện 6 tháng đầu năm có 368 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 50,4% kế hoạch, tăng 31,5% so cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký 2.582,7 tỷ đồng, tăng 89% về vốn đăng ký so cùng kỳ, vốn đầu tư thành lập mới bình quân 7 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 2 tỷ đồng/doanh nghiệp so cùng kỳ. Có 128 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với vốn tăng thêm 1.336 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 41% về số doanh nghiệp và tăng 179 lần về vốn.

    6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:

    a. Nông nghiệp:

    Trồng trọt:

    Cây lương thực có hạt: 6 tháng gieo trồng 166.505 ha, đạt 81% kế hoạch năm, giảm 7,4% so cùng kỳ; sản lượng 766.450 tấn, đạt 63,2% kế hoạch, tăng 5,5% so cùng kỳ; trong đó: cây lúa gieo trồng 163.118 ha, đạt 81,2% kế hoạch, giảm 7,7% so cùng kỳ, sản lượng 758.055 tấn, đạt 63,3% kế hoạch, tăng 5,5% so cùng kỳ.

    * Cây lúa:

    + Vụ Đông Xuân 2017-2018: là vụ sản xuất chính trong năm của nông dân, chính thức xuống giống 68.813 ha, giảm 3,9% so cùng kỳ, chủ yếu giảm ở huyện Chợ Gạo 2.023 ha, thị xã Cai Lậy 287 ha, huyện Cái Bè 247 ha, huyện Cai Lậy 335 ha… do chuyển trồng cây lâu năm như thanh long, sầu riêng… Năng suất thu hoạch bình quân đạt 74,6 tạ/ha, tăng 13,5% so cùng kỳ. Sản lượng 513.212 tấn, tăng 9,1% so cùng kỳ chủ yếu do năng suất thu hoạch tăng. Giá bán cũng cao hơn nhiều so với mọi năm, nông dân không chỉ trúng mùa, trúng giá mà thương lái còn tìm đến tận ruộng lúa chờ mua. Vụ này, nông dân trúng mùa, được giá.

    + Vụ Hè Thu (gồm Xuân Hè và Hè Thu): xuống giống 94.305 ha, đạt 90,2% kế hoạch gieo trồng của vụ, diện tích Xuân Hè xuống giống tập trung ở các huyện phía tây Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và thị xã Cai Lậy. Ước đến cuối tháng 6, diện tích lúa Xuân Hè sẽ thu hoạch với diện tích 37.616 ha; năng suất sơ bộ 65,1 tạ/ha, tăng 1% so cùng kỳ; sản lượng 244.843 tấn, giảm 1,2% so cùng kỳ do diện tích gieo trồng giảm.

    * Cây ngô: 6 tháng trồng 3.387 ha, đạt 75,3% kế hoạch, tăng 9,2% so cùng kỳ, thu hoạch 2.332 ha, năng suất bình quân đạt 36 tạ/ha với sản lượng 8.395 tấn.

    Cùng với cây lương thực có hạt, toàn tỉnh gieo trồng 40.462 ha cây rau đậu các loại, đạt 71,8% kế hoạch, đã thu hoạch 35.164 ha; năng suất bình quân 189,8 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 667.233 tấn; so cùng kỳ diện tích gieo trồng giảm 0,5%, năng suất thu hoạch bình quân tăng 9,8% và sản lượng tăng 10%; trong đó: rau các loại 40.327 ha, đã thu hoạch 35.085 ha, năng suất bình quân 190,1 tạ/ha với sản lượng 666.993 tấn.

    * Cây lâu năm và cây ăn quả: toàn tỉnh hiện có 93.854 ha trồng cây lâu năm và cây ăn quả, đạt 101,7% kế hoạch, tăng 3% so cùng kỳ; trong đó: cây ăn quả 75.109 ha, đạt 99,5% kế hoạch, tăng 2% so cùng kỳ, chủ yếu tăng ở cây thanh long 1.738 ha, sầu riêng 383 ha, ổi 110 ha… Sản lượng cây lâu năm 6 tháng ước thu hoạch 949,4 ngàn tấn, đạt 61,8% kế hoạch, giảm 0,2% so cùng kỳ; trong đó: cây ăn quả 868 ngàn tấn, đạt 61,3% kế hoạch, giảm 0,7% so cùng kỳ chủ yếu ở một số cây như: dứa ở huyện Tân Phước do gần cuối năm 2017 diện tích dứa trồng mới nhiều nên đầu năm 2018 chưa cho sản lượng; cây vú sữa ở huyện Châu Thành, cây cam ở huyện Cái Bè, Châu Thành do diện tích trồng lâu năm đã bị già cỗi, không cho sản lượng nên người dân đốn bỏ.

    Chăn nuôi: ước thời điểm 01/6/2018 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 121 ngàn con, tăng 4,7% so cùng kỳ; đàn lợn 591 ngàn con, giảm 7,2%; đàn gia cầm 12,9 triệu con, tăng 3%, do các nguyên nhân:

    Đàn bò: tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Chợ Gạo 52.105 con, Gò Công Tây 25.765 con và Châu Thành 14.467 con… cơ cấu giống bò đã có sự chuyển dịch theo hướng chuộng giống ngoại, nuôi bò thịt với một số giống bò như: bò Cọp (Mỹ), Siêu Xám (Pháp) và Limosine (Anh) đang được nông dân chú trọng phát triển mạnh.

    Đàn lợn: nguyên nhân giảm tổng đàn do suốt một năm qua giá cả luôn đứng ở mức thấp 27-30 ngàn đồng/kg, người chăn nuôi liên tục thua lỗ, mặc dù sau đó giá lợn có tăng nhẹ nhưng người chăn nuôi vẫn chưa tái đàn vì khó tiêu thụ được thì tiếp tục thua lỗ. Từ giữa tháng 4/2018 thương lái thu mua khoảng 37-40 ngàn đồng/kg, với giá này, người chăn nuôi đã có lãi. Từ tháng 5 đến nay, giá lợn liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, gần nhất là chạm mốc trên 50 ngàn đồng/kg, với mức giá bán hiện nay, người chăn nuôi hoàn toàn có lãi, thậm chí lãi khá cao.

    Đàn gia cầm: tăng chủ yếu tăng đàn cút (tăng 55%), tương ứng tăng 708 ngàn con; còn đàn gà giảm 2,8%; đàn vịt, ngan, ngỗng giảm 11%, nên đóng góp vào tăng trưởng chung giảm so cùng kỳ.

    b. Lâm nghiệp:

    Tổng diện tích rừng 2.129,1 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), trong đó: diện tích rừng phòng hộ 1.313,1 ha và rừng sản xuất 882 ha, giảm 38 ha so với năm 2017, nguyên nhân chủ yếu do khai thác rừng tràm chuyển sang trồng dứa tại huyện Tân Phước. 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã trồng 448 ngàn cây phân tán các loại, bằng 37,9 % so với cùng kỳ. Nhờ làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho nhân dân trên địa bàn; kiểm tra hướng dẫn thực hiện chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy… nên trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.

    c. Thủy hải sản:

    Diện tích thủy sản các loại ước 6 tháng thả nuôi 11.509 ha, đạt 72,9% kế hoạch, giảm 0,3% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt thả nuôi 4.541 ha, đạt 71,9% kế hoạch, giảm 4,4% so cùng kỳ; nguyên nhân là các hộ nuôi nhỏ lẻ không hiệu quả chuyển sang mục đích khác hoặc bỏ trống ao nuôi. Thủy sản nước mặn, lợ thả nuôi 6.968 ha, đạt 73,6% kế hoạch, tăng 2,7% so cùng kỳ, chủ yếu là tăng diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở các huyện phía Đông do giá bán trong 6 tháng qua tương đối ổn định.

    Sản lượng thủy sản ước 6 tháng thu hoạch 137.097 tấn, đạt 53,1% kế hoạch, tăng 4,3% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 79.931 tấn, đạt 51,3% kế hoạch, tăng 4% so cùng kỳ, sản lượng khai thác 57.166 tấn (khai thác biển 54.979 tấn), đạt 55,9% kế hoạch, tăng 4,7% so cùng kỳ.

    7. Sản xuất công nghiệp:

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 tăng 1,64% so với tháng trước và tăng 12,1% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,2%, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,5%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,7% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 tăng 12,3% so cùng kỳ.

    Giá trị sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 thực hiện được 48.321 tỷ đồng, đạt 44,5% kế hoạch, tăng 15,3% so cùng kỳ; trong đó: khu vực kinh tế nhà nước 423 tỷ đồng, giảm 1,9%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước 26.820 tỷ đồng, tăng 13,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 21.078 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ. Phân theo ngành công nghiệp: ngành công nghiệp chế biến chế tạo thực hiện 47.867,4 tỷ đồng; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 267,9 tỷ đồng; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải thực hiện 184,3 tỷ đồng; ngành công nghiệp khai khoáng 1,3 tỷ đồng.

    * Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

    - Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2018 so với tháng trước tăng 1% và tăng 14,4% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 6 năm 2018 tăng 11,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,2%, sản xuất đồ uống tăng 31,3%, dệt tăng 29,4%, sản xuất da tăng 3,3%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 1,6%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,2%, sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 27,2%...

    - Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2018 so với tháng trước tăng 22,8% và so với cùng kỳ tăng 51,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 101,5%, dệt tăng 72,4%, sản xuất trang phục tăng 7,2%, sản xuất da tăng 3,7%, sản xuất thiết bị điện tăng 54,8%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 2,8%, công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 3,4%...

    Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

    Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm, đã thu hút 4 dự án đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp Long Giang, tăng 33,3% so với cùng kỳ và đạt 40% chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, với tổng vốn đầu tư đăng ký dự án 20 triệu USD, bằng 37,2% so cùng kỳ và đạt 16,6% chỉ tiêu kế hoạch năm. Ngoài ra, Ban Quản lý khu công nghiệp còn điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án, trong đó có 2 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 9 triệu USD. Nâng tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 96 dự án (trong đó có 69 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.902 triệu USD và 4.076 tỷ đồng, diện tích đất đã cho thuê 493,2 ha/760,2 ha đạt 64,9 % diện tích đất công nghiệp cho thuê của 4 khu công nghiệp đang hoạt động.

    Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 4.402 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 96,9%.

    8. Thương mại, dịch vụ:

    a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng ước thực hiện được 27.776 tỷ đồng, đạt 47,1% kế hoạch, tăng 8,4% so cùng kỳ. Chia ra: kinh tế nhà nước thực hiện 2.365 tỷ đồng, tăng 16,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 25.205 tỷ đồng, tăng 7,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 206 tỷ đồng, tăng 31,9%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp đạt 22.051 tỷ đồng, tăng 7,6%; lưu trú đạt 65 tỷ đồng, tăng 23,6%; ăn uống đạt 2.880 tỷ đồng, tăng 12,6%; du lịch lữ hành đạt 54 tỷ đồng, tăng 5,3%; dịch vụ đạt 2.726 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ. Một số nhóm hàng hóa tăng mạnh đã góp phần cho tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng như: may mặc tăng 46,2%, vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 58,7%, đá quý kim loại quý tăng 26,1% và hàng hóa khác tăng 28,5%...

    b. Xuất - Nhập khẩu:

    Xuất khẩu:

    Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 1.209,4 triệu USD, đạt 45,6% kế hoạch, tăng 1,4% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 68,5 triệu USD, tăng 103,8%; kinh tế ngoài nhà nước 280,5 triệu USD, giảm 13,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 860,4 triệu USD, tăng 3,1% so cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu hàng hóa tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, 6 tháng xuất 1.114,5 triệu USD, giảm 0,7% so cùng kỳ (trong đó: ngành sản xuất trang phục đạt 189,3 triệu USD, giảm 2,5%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan đạt 410,6 triệu USD, giảm 11,8%, sản xuất kim loại đạt 271 triệu USD, tăng 30,9%). Ngành thương nghiệp đạt 94,9 triệu USD, tăng 36,9% so cùng kỳ.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

    - Thủy sản: ước tính 6 tháng xuất 56.806 tấn, giảm 6,8% so cùng kỳ, về giá trị đạt 148,5 triệu USD, giảm 17,2% so cùng kỳ. Thị trường cá tra nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm liên tục biến động khi nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá cá tra giống cũng đã tăng gấp 2 - 3 lần, dao động ở mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại do nguồn cung khan hiếm.

     - Gạo: ước tính 6 tháng xuất 174.631 tấn, tăng 18,4% so cùng kỳ, về trị giá đạt 94,9 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ. Năm 2018, thị trường xuất khẩu lương thực tiếp tục sôi động ngay từ đầu năm khi Indonesia và Philippines là hai thị trường tiêu thụ lớn đồng loạt thông báo kế hoạch nhập khẩu, trong khi đó Bangladesh tiếp tục duy trì tiến độ nhập khẩu, giá gạo xuất khẩu cũng có dấu hiệu tăng đáng kể.

    - May mặc: ước tính 6 tháng xuất 32.390 ngàn sản phẩm, giảm 6%, trị giá đạt 188,3 triệu USD, giảm 3,6% so cùng kỳ. Năm 2018 phí bảo hiểm xã hội được tính trên tổng thu nhập sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng đột biến. Thị trường xuất khẩu chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 - 45 ngày xuống còn 15 ngày tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Do vậy, doanh thu của ngành may mặc có tăng trưởng thì lợi nhuận sẽ không cao. Giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 là 5,81USD/sản phẩm, tăng 2,6% so cùng kỳ; tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức chủ quan và khách quan trong sản xuất và xuất khẩu.

    Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu mặt hàng giày dép, sản phẩm bằng nhựa, ống đồng đang phát triển mạnh. 6 tháng đầu năm 2018 sản phẩm giày dép các loại đạt 224,1 triệu USD, tăng 2,2% so cùng kỳ, kim loại thường và các sản phẩm đạt 256,8 triệu USD, tăng 33,4% so cùng kỳ...

    Nhập khẩu:

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng thực hiện 814,8 triệu USD, đạt 70,9% kế hoạch, tăng 43,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 63,3 triệu USD, giảm 11% so cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 751,5 triệu USD, tăng 51,4% so cùng kỳ. Trị giá nhập khẩu phân theo ngành sản xuất kinh doanh chính gồm 2 ngành: công nghiệp chế biến chế tạo và thương nghiệp bán buôn bán lẻ. 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhập khẩu 811,1 triệu USD, tăng 44,1% so cùng kỳ; trong đó: nhập khẩu cho sản xuất chế biến thực phẩm 41,7 triệu USD, giảm 27,6%, may mặc 273,6 triệu USD, tăng 108,5%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan 190,6 triệu USD, tăng 31,1%, sản xuất kim loại 258,8 triệu USD, tăng 35,7%. Nhập khẩu hàng hóa đạt 3,7 triệu USD, giảm 25,7% so cùng kỳ.

    c. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng ước thực hiện 1.135,5 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ; trong đó: vận tải hành khách thực hiện 355,6 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 685 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 638,5 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ; vận tải đường thủy nội địa thực hiện 402,1 tỷ đồng, tăng 7,7% ; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vân tải 94,9 tỷ đồng, tăng 47,1% .

     Vận chuyển hành khách 6 tháng ước đạt 15.556 ngàn hành khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và luân chuyển được 626.858 ngàn hành khách.km, tăng 14,8% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 10.265 ngàn hành khách, tăng 0,3% và luân chuyển 617.278 ngàn hành khách.km, tăng 14,8% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy nội địa 5.291 ngàn hành khách, tăng 6% và luân chuyển 9.580 ngàn hành khách.km, tăng 13% so cùng kỳ. Hiện nay, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp để ký hợp đồng đưa rước công nhân, xu hướng này đang phát triển vì tuyến này cố định và ổn định hơn chạy xe dịch vụ bên ngoài, dẫn đến, doanh thu, sản lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2018 tăng so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa 6 tháng ước đạt 7.959 ngàn tấn, tăng 6,9% và luân chuyển được 840.167 ngàn tấn.km, tăng 20% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 2.377 ngàn tấn, tăng 3,4% và luân chuyển được 202.209 ngàn tấn.km, tăng 20,9% so cùng kỳ; vận tải đường thủy nội địa thực hiện 5.582 ngàn tấn, tăng 8,4% và luân chuyển được 637.958 ngàn tấn.km, tăng 19,7%. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá 6 tháng đầu năm hoạt động ổn định, góp phần làm tăng doanh thu. Mặt khác, giá xăng, dầu bình quân 6 tháng 2018 so cùng kỳ tăng 14,2%, để đảm bảo lợi nhuận và duy trì hoạt động tốt các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí hoạt động, dẫn đến doanh thu tăng.

    d. Du lịch:

    Ước tính lượng khách du lịch đến tỉnh trong 6 tháng đạt 957,6 ngàn lượt, đạt 48,5% kế hoạch, tăng 12,4% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế đạt 320,7 ngàn lượt, đạt 41% kế hoạch, tăng 10,4% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 2.998,5 tỷ đồng, tăng 12,7%; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98,2%.

    Ngày 28/01/2018, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ xanh DP (Greenlines DP) đã tổ chức khai trương và đưa vào vận hành tuyến vận tải hành khách bằng tàu thủy cao tốc Bến Tre - Mỹ Tho - Vũng Tàu bằng tàu thủy cao tốc, thời gian chạy dự kiến 135 phút có giá vé trẻ em 140.000 đồng/lượt, người lớn 290.000 đồng/lượt, người già 200.000 đồng/lượt, miễn phí đối với trẻ nhỏ từ 6 tuổi trở xuống, mẹ Việt Nam anh hùng và người khuyết tật. Theo số liệu báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ khi hoạt động đến nay, tuyến Tiền Giang - Vũng Tàu đã vận chuyển 198 lượt khách, trong đó 148 lượt khách đi từ Tiền Giang đến Vũng tàu và 50 lượt từ Vũng Tàu về Tiền Giang.

    e. Bưu chính viễn thông:

    Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông 6 tháng ước đạt 1.217,4 tỷ đồng, tăng 15,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 68,7 tỷ đồng, tăng 41,9%; doanh thu viễn thông 1.148,7 tỷ đồng, tăng 14%. Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 6 năm 2018 là 117.683 thuê bao; thuê bao điện thoại bình quân đạt 6,7 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Tổng số thuê bao Internet trên mạng phát triển mới trong 6 tháng đầu năm là 39.798 thuê bao (trong đó: ADSL giảm 5.874 thuê bao; FTTH tăng 45.672 thuê bao); tổng số thuê bao Internet trên mạng ước tính đến tháng 6 năm 2018 là 176.473 thuê bao, mật độ Internet bình quân ước đạt 10 thuê bao/100 dân.

    II. Một số vấn đề xã hội

    1. Lao động, giải quyết việc làm:  

    Trong 6 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh giới thiệu việc làm cho 1.749 lượt lao động, đạt 70% kế hoạch năm; có 927 lao động có được việc làm ổn định; có 98 lao động xuất cảnh sang các nước; có 6.413 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, quyết định cho 5.613 người hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả tương đương 65.066 triệu đồng.

    Tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm có 33 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp, với nhu cầu tuyển dụng 5.709 lao động, thu hút trên 555 lượt lao động tham gia trực tiếp và hàng trăm lượt tham gia gián tiếp qua website của Trung tâm Dịch vụ việc làm; tư vấn cho 438 lao động, 383 lao động tham gia phỏng vấn, 114 lao động được tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp, 184 người được hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp.

    Tình hình lao động việc làm:

    - Khu công nghiệp: tổng số lao động khoảng 86.235 người, trong đó có 713 lao động nước ngoài, không thuộc diện cấp giấy phép lao động 28 người, đã cấp giấy phép lao động 612 người, còn lại chưa nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động 73 người.

    - Cụm công nghiệp: tổng số lao động khoảng 16.678 người, trong đó có 29 lao động nước ngoài, không thuộc diện cấp giấy phép lao động 3 người, đã cấp phép lao động 26 người.

    2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:

    Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo tết cho đối tượng chính sách, hộ nghèo được triển khai thực hiện tốt, trong dịp Tết Mậu Tuất năm 2018: tặng quà Chủ tịch nước cho 44.738 người có công với cách mạng (nguồn kinh phí Trung ương) với số tiền trên 9,1 tỷ đồng; tặng quà từ nguồn kinh phí địa phương cho 65.544 người với số tiền 10.742 triệu đồng. Vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được 6.251 triệu đồng, đạt 62,5% kế hoạch năm; xây mới 54 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 2.220 triệu đồng, đạt 41,5% kế hoạch; sửa chữa 23 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 460 triệu đồng đạt 65,7% kế hoạch từ nguồn vận động. Mặt trận tổ quốc các cấp tổ chức xây dựng 148 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, mỗi căn trị giá 25 - 30 triệu đồng.

    Công tác bảo trợ xã hội: thăm và tặng quà Tết nguyên đán 2018 cho 4.733 người cao tuổi với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng (trong đó tặng quà Chủ tịch nước là 1.711 người số tiền trên 796 triệu đồng, quà từ nguồn xã hội hóa 3.022 người với số tiền 818,4 triệu đồng); tặng quà cho 970 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền là 105,4 triệu đồng từ ngân sách tỉnh. Tổng số đối tượng đang quản lý tại Trung tâm Công tác Xã hội là 384 đối tượng, trong đó có 3 người có công, 263 người khuyết tật nặng, 68 người khuyết tật đặc biệt nặng, 32 người già neo đơn, 16 trẻ em bình thường; 2 người tập trung chờ quyết định.

    Công tác giảm nghèo: thăm và tặng quà Tết nguyên đán 2018 cho 20.710 hộ nghèo với tổng số tiền là 6.434 triệu đồng trong đó quà Chủ tịch nước 30 người số tiền 30 triệu đồng, ngân sách tỉnh 9.840 người số tiền 2.952 triệu đồng, ngân sách huyện 9.840 người số tiền 2.952 triệu đồng, từ nguồn khác 1.000 người số tiền 500 triệu đồng. Giao chỉ tiêu 2.360 hộ thoát nghèo cho các huyện, thành, thị phấn đấu thực hiện trong năm 2018, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 3,69%.

    Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được chú trọng, tổ chức lễ phát động  “Tháng hành động vì trẻ em” từ ngày 01/6 - 30/6/2018. Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động trên 979,3 triệu đồng trong đó có 682 triệu tiền mặt với 297,3 triệu đồng hàng hóa, hỗ trợ cho khoảng 900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn thông qua các chương trình Tiếp sức đến trường; xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa cho 10 hộ gia đình có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí 500 triệu đồng do Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam tài trợ; thực hiện 6 kỳ tiếp sức đến trường tặng xe đạp, cặp và tập cho các em học sinh.

    Từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, phê duyệt việc mua bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP đến thời điểm cuối tháng 5 là 476 người.

    3. Giáo dục:

    Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tổng kết năm học 2017 - 2018; tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2017 - 2018 và chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Kết quả như sau:

    Giáo dục mầm non: có 188 trường (56 trường mẫu giáo, 132 trường mầm non); nhà trẻ có 229 nhóm, với 4.862 trẻ; mẫu giáo 1.534 lớp, với 56.708 học sinh, huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; kiểm tra công nhận trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm (thành phố Mỹ Tho) đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; các trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, gồm: Thành Công (huyện Gò Công Tây), Tân Phú (huyện Tân Phú Đông), Bình Minh (thành phố Mỹ Tho), Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) và 8/3 (thị xã Cai Lậy); Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 11 đơn vị huyện, thành phố và thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi năm 2017.

     Giáo dục phổ thông:

    - Bậc Tiểu học: có 225 trường tiểu học (trong đó có 1 trường chuyên biệt giáo dục trẻ khuyết tật), 126 trường trung học cơ sở, 34 trường trung học phổ thông, 3 trường phổ thông có nhiều cấp học; kiểm tra, thẩm định tái công nhận 6 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm, trong đó 1 trường tiếp tục đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 5 trường tiếp tục đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; kiểm tra công nhận mới 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 137 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

    - Bậc Trung học: có 126 trường trung học cơ sở, có 2.510 lớp, với 101.644 học sinh, tỷ lệ 98,4% so với dân số 11-14 tuổi; trung học phổ thông 1.025 lớp, với 41.571 học sinh, tỷ lệ 60,48% so với dân số 15-17 tuổi. Tỷ lệ huy động học sinh trung học phổ thông và tương đương so dân số 15-17 tuổi là 67,5%; Công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, gồm: trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Mỹ Tho), trường Trung học cơ sở Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè) và trường Trung học cơ sở Phường 2 (thị xã Gò Công).

    Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục:

    Xét tốt nghiệp trung học cơ sở năm 2018, có 24.720/24.756 học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (tỷ lệ 99,9%), trong đó có 9.037 loại giỏi, 8.630 loại khá và 7.078 loại trung bình (hỏng 36 học sinh). Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, toàn tỉnh có trên 20.600 thí sinh dự thi (tăng hơn 3.300 thí sinh so với năm 2017) tại 33 hội đồng thi với 871 phòng thi. Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế thi, tỷ lệ điểm trên trung bình môn Ngữ văn là 52,28%, môn Toán là 54,01%, riêng môn Tiếng Anh chỉ 28,48%.

    Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2018, Tiền Giang có 27 điểm thi với 602 phòng thi; có 14.148 thí sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông Quốc gia, tăng 8,7% so với năm 2017.

    Trường Đại học Tiền Giang chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 2.030 chỉ tiêu, trong đó: đại học chính quy là 1.070 chỉ tiêu, liên thông từ cao đẳng lên đại học chính quy là 160 chỉ tiêu, cao đẳng sư phạm là 150 chỉ tiêu và 650 chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp.

    4. Chăm sóc sức khỏe:

    Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 92,1%, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 118%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 101%, bệnh viện tuyến huyện đạt 62,7%...; đã khám chữa bệnh cho 2.814.917 lượt người, tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó điều trị nội trú là 115.408 lượt người giảm 1,3%.

    Công tác phòng chống dịch bệnh được thường xuyên theo dõi và giám sát chặt chẽ. Tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ có 15 bệnh giảm (bệnh viêm não nhật bản giảm 100%, bệnh viêm gan vi rút C giảm 93%, bệnh thương hàn giảm 87%, bệnh viêm não vi rút khác giảm 75%, bệnh tay-chân-miệng giảm 52,3%, bệnh sốt xuất huyết Dengue giảm 50,8%, bệnh do liên cầu lợn ở người gảm 40%, bệnh thủy đậu giảm 12%,...); có 4 bệnh tăng (bệnh sốt rét tăng 100%, bệnh ho gà tăng 100%, bệnh quai bị tăng 26%, bệnh tiêu chảy tăng 17%); các bệnh còn lại tương đương hoặc không xảy ra cas mắc. Đến nay số người nhiễm HIV là 4.906 cas, số cas AIDS là 1.731 cas và tử vong do AIDS là 937 cas.

    Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng thường xuyên được quan tâm, kiểm tra 6.222 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kết quả có 96,8% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

    5. Văn hóa -  Thể thao:

    a. Văn hóa:

    Trong 6 tháng đầu năm 2018, tập trung tổ chức các hoạt động trọng tâm như: tổ chức liên hoan ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3/2018 và Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm” cấp tỉnh và tham gia các hoạt động ngày Quốc tế Hạnh phúc các huyện, thành, thị; tổ chức tổng kết chuyên đề thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” 03 năm (2015- 2017) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018 và các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn 30/4, 01/5 và 19/5 năm 2018… Công tác Thanh - kiểm tra văn hóa cũng được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức 11 cuộc kiểm tra với 70 lượt kiểm tra, nhắc nhở 18 trường hợp.

    Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: toàn tỉnh có 992 ấp, khu phố văn hóa; 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 38 chợ văn hóa; 11 công viên văn hóa; 454 con đường văn hóa và 437 cơ sở thờ tự văn hóa.

    b. Thể dục – thể thao:

    Tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao cấp tỉnh lần thứ VIII với 20 môn, 209 nội dung. Thu hút 14 đoàn tham gia gồm 11 huyện, thành, thị, ngành Công An, ngành Quân đội và Ngành Giáo dục và Đào tạo với 178 huấn luyện viên, 2.993 vận động viên. Kết quả: thành phố Mỹ Tho dẫn đầu với 55 HCV, 35 HCB, 43 HCĐ; huyện Cái Bè thứ 2 với 32 HCV, 17 HCB, 33 HCĐ và huyện Châu Thành xếp thứ 3 với 25 HCV, 17 HCB, 21 HCĐ. Phong trào Thể thao thành tích cao tham dự 18 giải Quốc tế, Quốc gia và khu vực, kết quả đạt: 37 HCV, 31 HCB, 41 HCĐ, trong đó có 3 HCV và 2 HCĐ giải quốc tế.

    6. Tình hình trật tự an toàn xã hội:

    Tình hình an ninh chính trị, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội luôn được quan tâm thực hiện, chủ động triển khai có hiệu quả nhiều phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; tăng cường nắm bắt tình hình an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin; giải quyết kịp thời một số vụ công nhân đình công. Riêng trong những ngày sau phiên cho ý kiến của Quốc hội về Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Tân Hương, Long Giang bị một số phần tử xấu kích động, đe dọa đến ngừng việc tập thể, tụ tập gây mất an ninh trật tự...; các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý, kiểm soát tình hình. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số vụ phạm tội về trật tự xã hội xảy ra 354 vụ (giảm 19,4% so cùng kỳ), bị thương 43 người, chết 14 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 14,6 tỷ đồng.

    7. Tình hình trật tự an toàn giao thông: Theo báo cáo của ngành Công an tính đến ngày 15/5/2018:

    - Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 170 vụ, làm chết 106 người, bị thương 109 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 12 vụ, làm chết giảm 10 người, bị thương tăng 10 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 48.772 vụ, tăng 13.388 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 27.183 vụ, tước giấy pháp lấy xe 1.239 vụ, phạt tiền 19.816 vụ với số tiền phạt 16.871 triệu đồng. Tình hình tai nạn giao thông đường bộ 6 tháng đầu năm 2018 vẫn còn diễn biến phức tạp (so với cùng kỳ tăng cả 02 tiêu chí: số vụ và số người bị thương), các vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất rơi vào các ngày nghỉ Lễ, Tết. Cụ thể như: Tết Mậu Tuất 2018  xảy ra 15 vụ, làm chết 11 người, bị thương 10 người; lễ 30/4 và 01/5/2018: xảy ra 13 vụ làm chết 08 người, bị thương 13 người. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi không đúng phần đường, làn đường, không nhường đường, không làm chủ tốc độ, sử dụng rượu bia và do người đi bộ qua đường thiếu quan sát...

    - Giao thông đường thủy: từ đầu năm đến nay xảy ra 5 vụ tai nạn tăng 4 vụ so cùng kỳ, làm chết 1 người tăng 1 người so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 9.392 vụ, tăng 313 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ 1.669 vụ, phạt tiền 7.723 vụ với số tiền phạt 2.241,5 triệu đồng.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Từ đầu năm đến nay xảy ra 24 vụ cháy, giá trị tài sản thiệt hại ước tính trên 234,5 tỷ đồng, nguyên nhân do sự cố về điện và bất cẩn trong sử dụng lửa. Vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 23 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 411 triệu đồng, nội dung vi phạm chủ yếu do thực hiện không đúng kế hoạch bảo vệ môi trường, xả khí thải, nước thải, gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép, khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép, khoan thăm dò nước dưới đất không giấy phép,thi công giếng khoan không đúng thiết kế được phê duyệt...

    9. Thiệt hại do thiên tai:

    Trong tháng 5 và đầu tháng 6, trên địa bàn huyện cái Bè và Cai Lậy đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm thiệt hại 191 căn nhà và 2.662 ha diện tích cây ăn quả, ước tổng giá trị thiệt hại trên 8.175 triệu đồng, rất may là không có thương vong xảy ra. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương cùng với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã đến kiểm tra hiện trường và chỉ đạo các ngành, các cấp hữu quan hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, di dời đồ đạt, sửa chữa lại nhà cửa, khắc phục hậu quả tạm thời để nhân dân sớm ổn định cuộc sống; đồng thời hỗ trợ tiền mặt 5 triệu đồng/hộ nhà bị sập, nhà bị tốc mái với mức hỗ trợ 2-3 triệu đồng/hộ được trích từ nguồn quỹ đột xuất của huyện./.

Số liệu ước tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 17)
Trang:1 - 2Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 24
Truy cập: 1.933.588
Truy cập tháng: 50.021
User IP: 34.201.122.150

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn