Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2014
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2014
Thứ ba, Ngày 23 Tháng 12 Năm 2014

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang

năm 2014

   I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

   1. Tăng trưởng kinh tế:

   Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - Gross Regional Domestic Product) năm 2014 ước tính đạt 49.892 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010) tăng 9,5% so với năm 2013, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 16,2%, khu vực dịch vụ tăng 9,6%. GRDP theo giá thực tế đạt 68.021 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 39,6 triệu đồng/người/năm, tăng 5,5 triệu đồng so với năm 2013 (năm 2013 đạt 34,1 triệu đồng).

    Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39% (kế hoạch 39,2%), khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 31,3% (kế hoạch 32,2%), khu vực dịch vụ chiếm 29,7% ( kế hoạh 28,6%); năm 2013 tỷ trọng các khu vực này lần lượt là 41,3%, 29,4% và 29,3%.

   2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:

   a. Nông nghiệp:

   Sản lượng lương thực có hạt thu hoạch được 1.384.849 tấn đạt 104,4% so kế hoạch và tăng 1,6% so cùng kỳ, diện tích gieo trồng được 234.663 ha giảm 5.318 ha so cùng kỳ. Sản lượng cây lúa thu hoạch được 1.370.313 tấn đạt 104,5% so kế hoạch và tăng 1,6% so cùng kỳ chiếm 98,9% tổng sản lượng cây lương thực có hạt, năng suất bình quân đạt 59,4 tăng 2,2 tạ/ha so cùng kỳ với diện tích gieo trồng được 230.629 ha giảm 4.996 ha so cùng kỳ.

   Về cơ cấu giống lúa: giống lúa đặc sản, chất lượng cao gieo trồng được 113.841 ha chiếm 49,4%; giống lúa thường (IR 50404) 83.586 ha chiếm 36,2%, giống lúa này xuống giống chủ yếu ở các huyện phía Tây mặc dù có khuyến cáo không nên trồng giống này do chất lượng gạo ở mức trung bình giá bán không cao, nhưng chi phí cho phòng trừ sâu bệnh thấp hơn lúa chất lượng cao và năng suất cao; các giống lúa còn lại với diện tích 33.202 ha, chiếm 14,4%.

   - Cây lâu năm, cây ăn quả: Toàn tỉnh hiện có 87.278 ha cây lâu năm trong đó cây ăn quả chuyên canh có 70.822 ha tăng 3% tương ứng 2.088 ha so cùng kỳ chủ yếu tăng diện tích ở vườn thanh long tăng 913 ha và sầu riêng tăng 811 ha. Tổng sản lượng thu hoạch 1.343,4 ngàn tấn vượt 7% kế hoạch tăng 7,4% so cùng cùng kỳ trong đó sản lượng cây ăn quả đạt 1.236 ngàn tấn tăng 7% do việc xử lý cho ra hoa trái vụ trên vườn thanh long, sâu riềng và các loại cây khác đang độ chu kỳ cho quả tốt nhất. Tuy nhiên trồng cây trái Tiền Giang cũng còn tồn tại nhiều vấn đề như: sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chất lượng không đồng đều, số lượng trái cây hàng hóa không lớn; giá thành cao; xử lý sau thu hoạch còn thô sơ và chưa có sự liên kết của các hộ nông dân nhằm chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

   - Chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc phát triển ổn định do giá thịt hơi ở mức khá cao người nuôi có lãi. Chăn nuôi gia cầm giá bán các sản phẩm có xu hướng tăng nhưng nhìn chung tình hình chăn nuôi chưa thật ổn định. Đàn trâu năm 2014 có 338 con, tăng 12,3% so với năm 2013; đàn bò có 78.371 con, tăng 2,5%; đàn lợn có 595.231 con, tăng 1,9%; đàn gia cầm có 7.188 ngàn con, giảm 0,1%, trong đó đàn gà 5.646 ngàn con, tăng 0,7%. Sản lượng thịt hơi các loại năm 2014 ước tính đạt 160.021 tấn, tăng 3,6% so với năm trước, trong đó sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng được 105.136 tấn tăng 1,4% so cùng kỳ, thịt bò 18.703 tấn tăng 10,9%, thịt trâu 33 tấn tăng 33%, thịt gia cầm đạt 3.435 tấn, tăng 6,3%...

   b. Lâm nghiệp:

   Diện tích rừng trồng mới tập trung trồng được 105,5 ha, bằng 87,2% so năm 2013 và được trồng ở xã Phú Tân huyện Tân Phú Đông 94,5 ha và 11 ha trồng ở xã Kiểng Phước và dãy vành đai rừng ven của huyện Gò Công Đông. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 3.370 ngàn cây, bằng 83,9% so với năm trước. Sản lượng khai thác gỗ cả năm đạt 61.810 m3 bằng 91,2% so với cùng kỳ, các loại gỗ được khai thác chủ yếu từ cây tràm, dầu gió, bạch đàn và khai thác được 197.119 ste củi các loại bằng 97,8%, sản lượng gỗ khai thác giảm dần do giá bán thấp, người dân ít khai thác và số lượng cây đạt tỷ lệ khai thác giảm.

   c. Thủy hải sản:

   Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.749 ha, tăng 2,5% so với năm 2013. Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đạt 6.526 ha giảm 2,9% so cùng kỳ; diện tích thả nuôi nước mặn, lợ đạt 9.223 ha tăng 6,4% so cùng kỳ do diện tích nuôi tôm thẻ tăng cao hơn cùng kỳ 35,7% tương ứng tăng 701 ha và ngược lại diện tích tôm sú chỉ bằng 86,4% do tôm thẻ ít bệnh hơn và thời gian nuôi ngắn hơn, năm nay giá tôm ổn định ở mức cao nên người nuôi an tâm sản xuất.

   Tình hình dịch bệnh trên tôm: có 172,81 ha các hộ ở huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông và thị xã Gò Công khai báo kịp thời và ngành chức năng đã xác minh có 56,1% diện tích tôm bệnh do vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và 41% diện tích do vi rút đốm trắng gây bệnh. Ngành chức năng đã hỗ trợ trên 44 tấn Chlorine để tiêu hủy mầm bệnh cho 131,21 ha tại  323 hộ nuôi tôm xử lý trước khi xả nước ra môi trường chung nhằm hạn chế sự lây lan mầm bệnh trong vùng.

   Sản lượng thủy sản năm 2014 ước tính đạt 230.989 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng đạt 137.957 tấn, tăng 1% trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 9.072 tấn tăng 123,1%. Sản lượng khai thác 93.032 tấn, tăng 0,8%. Thời tiết tương đối thuận lợi, ít bão nên hoạt động khai thác biển ổn định, sản lượng khai thác tăng không đáng kể nhưng cơ cấu sản phẩm khai thác các loài cá có giá trị sản phẩm có thay đổi, nên hầu hết các đội tàu khai thác đều có lãi. Thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, đang đề nghị UBND tình phê duyệt 349 hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ với số tiền đề nghị hỗ trợ là 21,21 tỷ đồng (trong đó có 26 hồ sơ/1,436 tỷ đồng của năm 2013 chuyển sang). Trong năm đã xảy ra 07 trường hợp tai nạn tàu cá, làm chết 01 người, mất tích 01 người, ước thiệt hại tài sản khoảng 2,5 tỷ đồng, chưa phát hiện khai thác vi phạm lãnh hải.

   3. Sản xuất công nghiệp:

   Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2014 tăng 7,9% so cùng kỳ, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,9% do một số mặt hàng sản xuất ổn định như sản xuất trang phục, sản xuất kim loại, sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu... ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,1%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, riêng công nghiệp khai khoáng chỉ bằng 8,3% so cùng kỳ do nguồn tài nguyên cát sông ngày càng khan hiếm.

   Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 tính theo giá so sánh 2010 được 54.084,4 tỷ đồng tăng 18,7% so cùng kỳ, khu vực kinh tế nhà nước thực hiện 880,3 tỷ đồng tăng 6,7%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 33.234,5 tỷ đồng tăng 19,1%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 19.969,6 tỷ đồng tăng 18,6%. Phân theo ngành kinh tế: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện 53.443,8 tỷ đồng tăng 18,9%, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng thực hiện 385,7 tỷ đồng tăng 5,6%, ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thực hiện 254,2 tỷ đồng tăng 5,4%, ngành công nghiệp khai thoáng thực hiện 0,7 tỷ đồng bằng 3,7%.

   Hoạt động kinh tế hợp tác luôn gặp khó khăn và lúng túng trong điều hành, hoạt động chưa có hiệu quả cao, chưa có hướng đổi mới, thay đổi hay mở rộng ngành nghề phù hợp với tình hình hiện nay. Năm 2014 có 06 HTX do ngưng hoạt động đã lâu và không có khả năng củng cố; có 09 HTX ngưng hoạt động và thành lập 6 HTX. Hiện có 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 101 HTX trong đó năm 2014 , bao gồm lĩnh vực nông nghiệp có 44 HTX, tiểu thủ công nghiệp 14 HTX, thương mại dịch vụ 09 HTX, xây dựng 04 HTX, vận utải 11 HTX và tín dụng 16 quỹ tín dụng nhân dân; lĩnh vực thủy sản 02 HTX và lĩnh vực y tế 01 HTX; tổng số vốn hoạt động của HTX, quỹ tín dụng nhân dân trong toàn tỉnh là 1.975,8 tỷ đồng tăng 3,2% so với cùng kỳ; có 54.563 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 11.877 lao động.

   4. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và hoạt động các ngành dịch vụ:

   a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội thực hiện 44.161,8 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ, kinh tế nhà nước thực hiện 4.184,1 tỷ đồng, tăng 5,2%, kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 39.866,3 tỷ đồng, tăng 16,6%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 111,4 tỷ đồng, giảm 34,3%. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp đạt 36.050,8 tỷ đồng tăng 16,7%; lưu trú đạt 71,6 tỷ đồng tăng 12%; ăn uống đạt 3.691,3 tỷ đồng tăng 11,6%; du lịch lữ hành đạt 55,8 tỷ đồng tăng 16%; dịch vụ đạt 4.292,3 tỷ đồng tăng 6,5% so cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2014 tăng 10,6% so cùng kỳ.

   Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, có 7 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với tổng trị giá vốn trên 312,5 tỷ đồng (tăng 28 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán năm 2013), giúp cho việc lưu thông, phân phối hàng trên toàn tỉnh thêm thuận lợi, mà còn góp phần bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

   Về công tác xúc tiến trên địa bàn tỉnh vẫn được tiếp tục triển khai, năm 2013 tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn có 50 doanh nghiệp với 110 gian hàng, tổng doanh thu 580 triệu đồng,; tổ chức cho 14 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình kết nối sản xuất - phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh giúp doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, chương trình này đã ký 01 hợp đồng nguyên tắc; vận động doanh nghiệp tham gia 3 hội chợ triển lãm... Thông qua các chương trình này nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh đến người tiêu dùng và đến thị trường thế giới.

   Hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư xây dựng và sữa chữa, xây mới 06 chợ và một khu thương mại Thanh Bình huyện Chợ Gạo, diện tích 5.700m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 12,8 tỷ đồng; nâng cấp, sữa chữa 2 chợ: chợ Tân Phước huyện Tân Phước và chợ Tân Thuận Bình huyện Chợ Gạo.

   b. Vận tải:

   Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 1.715 tỷ đồng, kinh tế nhà nước thực hiện 72,9 tỷ đồng chiếm 4,3%, kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 1.642,1 tỷ đồng chiếm 95,7%%. Vận tải đường bộ thực hiện 1.028,9 tỷ đồng chiếm 60%, vận tải đường sông thực hiện 613,3 tỷ đồng chiếm 35,8%, vận tải đường biển thực hiện 72,8 tỷ đồng chiếm 4,2%.

   Vận chuyển hành khách đạt 33.072 ngàn lượt khách tăng 2,1% và luân chuyển được 1.178.787 ngàn lượt khách.km tăng 12,2% so cùng kỳ, trong đó vận chuyển của cơ sở kinh tế cá thể đạt 23.748 ngàn lượt khách tăng 1,4% và luân chuyển được 882.771 ngàn lượt khách.km tăng 17,8%. Vận tải đường bộ thực hiện 25.277 ngàn lượt khách tăng 1,8% và luân chuyển được 1.159.187 ngàn lượt khách.km tăng 12,3% so cùng kỳ. Vận tải đường sông thực hiện 7.795 ngàn lượt khách tăng 3,1% và luân chuyển được 19.600 ngàn lượt khách.km tăng 6,6%.

   - Vận tải xe buýt có 10 tuyến với 153 xe đang hoạt động, gồm 06 tuyến nội tỉnh có 99 xe và 04 tuyến liên tỉnh có 54 xe. Các tuyến nội tỉnh lộ trình hoạt động chủ yếu từ trung tâm nội thị đến các trung tâm huyện và các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

   - Vận tải hành khách theo tuyến cố định: Sở Giao thông vận tải đang quản lý 42 tuyến liên tỉnh và 06 tuyến nội tỉnh, tổng số xe hoạt động là 213 xe, tuyến liên tỉnh 154 xe và tuyến nội tỉnh 59 xe. Do tình hình kinh tế khó khăn và sự cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải nên các tuyến cố định có xu hướng ngày càng giảm dần, nhất là các tuyến nội tỉnh.

   Vận chuyển hàng hóa đạt 13.549 ngàn tấn tăng 5,4% và luân chuyển được 1.242.480 ngàn tấn.km tăng 7% so cùng kỳ, trong đó cơ sở kinh tế cá thể đạt 5.605 ngàn tấn tăng 0,4% và luân chuyển được 472.272 ngàn tấn.km tăng 4,6%. Vận tải đường bộ thực hiện 4.046 ngàn tấn tăng 0,2% và luân chuyển được 332.137 ngàn tấn.km tăng 2,4% so cùng kỳ. Vận tải đường sông thực hiện  9.503 ngàn tấn tăng 7,8% và luân chuyển được 910.343 ngàn tấn.km tăng 8,7%.

   *Phương tiện giao thông: Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh  868.121 chiếc, gồm 847.887 chiếc mô tô xe máy, 20.067 xe ô tô, 107 xe ba bánh và 60 xe khác.

   c. Du lịch:

   Đầu tư phát triển nâng tầm khu du lịch sinh thái được chú trọng, công tác xã hội hóa hoạt động du lịch được thực hiện tốt, nhiều làng nghề truyền thống ở Tiền Giang đã được khôi phục, các phong tục cổ truyền độc đáo tại miệt vườn sông nước Tiền Giang tiếp tục phát huy để thu hút khách đến tham quan. Số khách tham quan du lịch đạt 1.426,2 ngàn lượt tăng 4,1% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 482,4 ngàn lượt tăng 2,4% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 3.818,7 tỷ đồng tăng 11,7%, trong đó dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 71,6% tăng 12%, chiếm 1,9%.

   d. Bưu chính viễn thông:

   Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 1.658 tỷ đồng tăng 49,6% so cùng kỳ: bưu chính doanh thu đạt 50 tỷ đồng giảm 3,5%, viễn thông đạt 1.608 tỷ đồng tăng 52,3%. Tổng số thuê bao điện thoại năm 2014 giảm 51.417 thuê bao bằng 90,4% so cùng kỳ (thuê bao điện thoại cố định giảm 33.824 thuê bao và di động trả sau giảm 17.593 thuê bao), số thuê bao điện thoại trên mạng đến cuối tháng 12 là 215.691 thuê bao, mật độ điện thoại bình quân đạt 12,6 thuê bao/100 dân. Thuê bao internet phát triển 13.818 thuê bao tăng 160,9%, số thuê bao trên mạng đến cuối tháng 12 là 59.484 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 3,5 thuê bao/100 dân.

   II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

  1. Chỉ số giá tiêu dùng :

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2014 so tháng trước giảm 0,24% (thành thị giảm 0,20 %, nông thôn giảm 0,25%); so với tháng 12 năm trước tăng 2,64%; và bình quân 12 tháng năm 2014 so với bình quân 12 tháng năm 2013 tăng 4,15%. Trong 3 năm gần đây, năm 2014 có mức lạm phát thấp nhất ở mức tăng 2,64% (lạm phát năm 2012  tăng 3,53%, năm tăng 2013 : 7,18%) do biến động liên tục của giá xăng, dầu, giá gas tác động nên chỉ số số từ tháng 10 đến tháng 12 liên tục có chỉ số giảm so tháng trước kìm hãm được tốc độ lạm phát.

So với tháng trước có 7/11 nhóm hàng có chỉ số tăng, cao nhất là nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 0,51%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,18%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%, thiết bị và đồng dùng gia đình tăng 0,11%, các mặt hàng còn lại tăng từ 0,04 - 0,22%. Có 2/11 nhóm có chỉ số giảm: giao thông giảm 3,75% do tác động 3 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu nhóm hàng nhiên liệu tháng này giảm 6,7%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,82%. Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế và nhóm hàng giáo dục có chỉ số tương đương tháng trước. Chỉ số giá vàng giảm 0,73%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,42% so tháng trước.

   2. Đầu tư và xây dựng:

Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 21.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 16,9% so cùng kỳ, khu vực nhà nước đạt 3.054,7 tỷ đồng tăng 16,4%, khu vực ngoài nhà nước đạt 13.659,7 tỷ đồng tăng 10,8%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4.785,6 tỷ đồng tăng 39,5%.

Vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 1.866,4 tỷ đồng vượt 29,6% kế hoạch tăng 0,7% so cùng kỳ: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.277,8 tỷ đồng tăng 3,9%, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 475 tỷ đồng bằng 91,1%, vốn ngân sách nhà nước cấp xã 113,6 tỷ đồng tăng 10,3%. Dự kiến trong năm 2014 cấp tỉnh hoàn thành 72/148 công trình, cấp huyện hoàn thành 160/208 công trình, cấp xã hoàn thành 409/454 công trình; các công trình còn lại đang tiếp tục thực hiện theo kế hoạch và chuyển tiếp sang năm 2015.

Trong năm thu hút được 10 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ với tổng mức đầu tư các dự án 50,8 triệu USD, so cùng kỳ tăng 67% dự án, tổng mức đầu tư bằng 74%, trong đó đầu tư vào khu công nghiệp 6 dự án, so cùng kỳ. Có 7 dự án đến từ Trung Quốc và các nước Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc mỗi nước một dự án.

   3. Tài chính, tín dụng - ngân hàng:

   a. Tài chính:

   Tổng thu ngân sách năm 2014 đạt 8.358,3 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh tế địa phương thực hiện được 4.401 tỷ đồng, đạt 118,8% so dự toán và tăng 10,2% so cùng kỳ. Có 10/11 huyện, thành, thị thu đạt và vượt dự toán năm, trong đó huyện Tân Phú Đông đạt cao nhất, đạt 126,5% dự toán, kế đến là huyện Tân Phước đạt 117,3%...

   Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2014 ước đạt 8.089,6 tỷ đồng, trong đó chi trong cân đối ngân sách địa phương là 6.893 tỷ đồng (chiếm 85,2%), đạt 130,4% dự toán và tăng 20,9% so cùng kỳ. Trong năm 2014, ngoài các khoản chi theo dự toán ngân sách từ đầu năm còn tăng chi 1.204,6 tỷ đồng từ các nguồn chi năm 2013 chuyển sang, chi Trung ương bổ sung, chi tăng thu năm 2014... Chi đầu tư phát triển năm 2014 được 2.626 tỷ đồng (kể cả nguồn thu từ xổ số kiết thiết) đạt 177,7% so dự toán, tăng 41,9% so năm 2013; chi thường xuyên 4.830,8 tỷ đồng đạt 110,8 so dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ.

   b. Tín dụng - ngân hàng:

   Tổng thu tiền ước thực hiện được 183.000 tỷ đồng, bằng 97,2% so cùng kỳ; tổng chi tiền mặt thực hiện được 187.000 tỷ đồng bằng 96,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn huy động trên địa bàn trong năm ước đạt 31.807 tỷ đồng, tăng 5.948 tỷ đồng so đầu năm; trong đó huy động từ tiền gửi tiết kiệm chiếm 85,9% trên tổng vốn huy động. Dư nợ cho vay dự kiến đến cuối năm đạt 22.157 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm (tăng 2.549 tỷ đồng). Cơ cấu dư nợ cho vay tính theo lãi suất cho vay thì lãi suất từ 9%/năm trở xuống chiếm 50,4%, lãi suất trên 9% đến 11%/năm chiếm 22,1%, lãi suất trên 11% đến 13%/năm chiếm 26,1%, lãi suất trên 13% đến 15%/năm chiếm 0,9% và lãi xuất trên 15%/năm chiếm 0,5%. Nợ xấu giảm so với năm 2013, chiếm 1,8% trên tổng dư nợ cho vay (390 tỷ đồng), so với đầu năm giảm 0,1%.

   4. Hoạt động xuất, nhập khẩu:

   a. Xuất khẩu hàng hóa:

   Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.480 triệu USD tăng 23,8% so cùng kỳ, kinh tế nhà nước thực hiện đạt 154,9 triệu USD tăng 10%, kinh tế ngoài nhà nước đạt 498,8 triệu USD tăng 9,7%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 826,3 triệu USD tăng 37,7%. Kim ngạch tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến đạt 1.380,6 triệu USD chiếm 93,3% kim ngạch xuất khẩu. Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

   + Hàng thủy sản: xuất khẩu được 144.063 tấn tăng 10,1%, về giá trị đạt triệu 323 triệu USD tăng 2,9% so cùng kỳ, so chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh về lượng tăng 1,45%, trị giá tăng 7,6%. Xuất khẩu hàng thủy sản chủ yếu là mặt hàng cá tra phi lê, trong năm có 16 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê xuất đạt 128.623 tấn tăng 6% chiếm 89,3% sản lượng. Giá cá tra nguyên liệu luôn biến động, đạt được mức giá mà người nuôi có lãi thì không cao và chỉ trong thời gian ngắn rồi lại giảm làm cho người nuôi điêu đứng trong vòng lãi - lỗ một số hộ nuôi phải treo ao, doanh nghiệp liên tục gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu.

   + Hàng rau quả: xuất 6.380 tấn đạt 85%, về trị giá đạt 7,5 triệu USD bằng 90,4% so cùng kỳ, tình hình xuất khẩu rau quả vẫn còn khó khăn mặt hàng có thị trường thì thiếu nguyên liệu như mặt hàng khóm, có nguyên liệu thì hạn chế thị trường và chỉ suất dưới dạng sơ chế. So chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2014 hàng rau quả chỉ đạt 98,1% về sản lượng và 83,1% về giá trị.

   + Gạo: xuất được 219.886 tấn tăng 6,5%, về trị giá đạt 102,3 triệu USD tăng 10,6% so cùng kỳ. Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của tỉnh, so năm 2013 tăng cả lượng và trị giá, nhưng so với chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh về lượng đạt 95,6% và trị giá đạt 93%, thực tế mặt hàng này cũng luôn trong tình trạng biến động liên tục.

   + Hàng dệt may: xuất được 37.078 ngàn sản phẩm tăng 73,5%, về trị giá đạt 313,6 triệu USD tăng 18,4% so cùng kỳ. Xuất khẩu hàng may mặc trong tỉnh có nhiều thuận lợi, tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có đặc biệt là tận dụng những ưu thế cạnh tranh trong những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và tập trung tăng thị phần ở thị trường mới. Tuy nhiên doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: chủ yếu là làm gia công, phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu còn phụ thuộc nhập khẩu, các chi phí đầu vào như điện, vận tải, tiền lương...

   Ngoài các mặt hàng chủ yếu, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang phát triển mạnh góp phần tăng trị giá xuất khẩu của tỉnh.

   b. Nhập khẩu hàng hóa:

   Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 829,5 triệu USD tăng 21% so cùng kỳ, kinh tế nhà nước đạt 71,9 triệu USD bằng 67,4%, kinh tế ngoài nhà nước đạt 179,1 triệu USD bằng 93,7%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 578,5 triệu USD tăng 49,2% chiếm 69,7% kim ngạch. Hàng hóa nhập khẩu tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến đạt 821,7 triệu USD tăng 21,5% so cùng kỳ, trong đó nguyên phụ liệu thức ăn gia súc đạt 165 triệu USD tăng 20,5%, vải may mặc đạt 147,9 triệu USD tăng 10,4%, phụ liệu giày dép đạt 137,5 triệu USD tăng 26,1% so cùng kỳ.

   III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC :

   1. Dân số, lao động và việc làm:

   Dân số trung bình của tỉnh năm 2014 ước tính 1.716.086 người, tăng so 0,6% so với năm 2013, bao gồm: dân số nam 840.880 người, chiếm 49% tổng dân số, tăng 0,5%; dân số nữ 875.206 người, chiếm 51%, tăng 0,7%. Trong tổng dân số, dân số khu vực thành thị là 264.374 người, chiếm 15,4% tổng dân số, tăng 5,2% so với năm trước; dân số khu vực nông thôn là  1.541.712 người, chiếm 84,6%, tăng 6%.

   Tư vấn giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động được thực hiện thường xuyên đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động, giúp người lao động có việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Trong năm 2014 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 5.026 lao động đạt 101% kế hoạch, có 2.956 lao động có việc làm ổn định, đã xuất cảnh được 151 lao động đạt 100% kế hoạch; có 9.170 trường hợp đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong đó có 8.962 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả tương đương 70,3 tỷ đồng. Tổ chức được 32 phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho 18.779 lao động đạt 104,3% kế hoạch năm trong đó tư vấn nghề cho 1.908 lao động, tư vấn việc làm cho 16.074 lao động, tư vấn Pháp luật lao động và tư vấn khác cho 797 lao động.

   Theo số liệu tổng hợp nhanh điều tra lao động việc làm năm 2014 có  1,69% số người thất nghiệp tăng 1,3% so năm 2013. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

   2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:

   Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo  nên đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Phối hợp với các tỉnh, đoàn thể và chính quyền các cấp lập quyết định trợ cấp hàng tháng cho 373 hồ sơ bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và trợ cấp 1 lần cho 2.074 thân nhân bà mẹ từ trần (đợt I, II); lập quyết định trợ cấp 1 lần cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, cho 17.301 hồ sơ. Vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được 11.401 triệu đồng, bàn giao 143 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 4.856 triệu đồng, sữa chữa 95 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1.512 triệu đồng. Thực hiện quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bàn giao 413 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 16.779 triệu đồng và sữa chữa 64 ngôi nhà với tổng kinh phí 1.420 triệu đồng.

   Đầu năm 2014, toàn tỉnh có 28.336 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,33% tổng số hộ toàn tỉnh đến cuối năm toàn tỉnh giảm 5.200 hộ nghèo, tương ứng với giảm tỷ lệ nghèo 1,16%, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 5,17% so với dân số toàn tỉnh bằng nhiều biện pháp tích cực: cho 20.523 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất trong đó có 5.079 lượt hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng; cho 588 lượt học sinh, sinh viên vay học tập với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. đã mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 95.027 người nghèo, tổng kinh phí 44,2 tỷ đồng; miễn giảm học phí cho 10.895 học sinh là con, em hộ nghèo, kinh phí là 2.164 triệu đồng và 4.755 học sinh là con, em hộ cận nghèo, kinh phí là 667 triệu đồng. Ngoài ra còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề cho người nghèo để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

   Khoảng giữa tháng 5 Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở biển Đông, một số doanh nghiệp ở khu, cụm công nghiệp đã chủ động cho công nhân nghỉ để hạn chế tình hình lôi kéo xúi giục công nhân đình công, phá hoại tài sản công ty. Đình công, lãn công không đúng pháp luật xảy ra 4 cuộc gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất cũng như ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng của doanh nghiệp. Những việc này làm giảm thu nhập cho công nhân, họ với đồng lương thấp phải dè sẻn trong cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

   Tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là các mặt hàng nông sản liên tục biến động đang có giá cao đột nhiên giảm mạnh như: dừa khô trong tháng 4 có giá 110 - 120 ngàn đồng/chục đến đầu tháng 6 chỉ còn 40 - 50 ngàn đồng/chục, thanh long chỉ với giá 4 - 5 ngàn đồng/kg và các loại nông sản khác như sầu riêng, xoài, bắp cũng tuột dốc rất nhanh... ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Các ngành, các cấp ở địa phương rất quan tâm đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất và hộ gia đình đã có chính sách hỗ trợ nông dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, thu mua tạm trữ lúa, hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hỗ trợ vốn cho ngư dân khai thác biển xa bờ giúp cho người dân ổn định sản xuất trong những lúc khó khăn.

   Trước tình hình khó khăn chung của đất nước, lực lượng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước cùng chia sẻ khó khăn, tiết kiệm nên đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tương đối ổn định mặc dù chưa cao, nhất là những người có hệ số lương thấp phải chi tiêu rất dè dặt để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

   3. Giáo dục, đào tạo:

   Trong năm 2014 toàn ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiên tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: tổng kết năm học 2013-2014, tổ chức tốt ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, khai giảng năm học mới và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2014-2015; tổ chức thi học kỳ I năm học 2014 - 2015. Thống kê sơ bộ năm học 2014 - 2015 như sau:

   * Về qui mô học sinh

   - Giáo dục mầm non: Nhà trẻ có 185 nhóm, 4.950 trẻ, tỷ lệ 8,0% so dân số 0-2 tuổi (tăng 2,9% so với năm học trước). Mẫu giáo có 1.398 lớp, 51.300 học sinh, tỷ lệ 69,5% so dân số 3-5 tuổi (tăng 5,6% so với năm học trước), trong đó học sinh ngoài công lập 2.079 học sinh, đạt tỷ lệ 4,1% trên tổng số học sinh ra lớp; huy động 99,9% trẻ 5 tuổi ra lớp.

   - Giáo dục phổ thông: Bậc tiểu học: có 4.439 lớp, 138.270 học sinh, đạt tỷ lệ 99,9% so với dân số 6 - 10 tuổi trong đó 3.097 lớp dạy học 2 buổi/ngày với 95.686 học sinh, đạt tỷ lệ 67,6% so tổng số học sinh; tuyển mới vào lớp 1 là 27.633 học sinh, đạt tỷ lệ 109,7% so với dân số 6 tuổi. Bậc trung học cơ sở: có 2.502 lớp, 102.700 học sinh, đạt tỷ lệ 98% so với dân số 11 - 14 tuổi (tăng 5.296 học sinh so với năm học trước); tuyển mới vào lớp 6 là 25.973 học sinh, đạt tỷ lệ 99,3% so học sinh tốt nghiệp tiểu học. Bậc Trung học phổ thông: có 968 lớp, 37.880 học sinh, đạt tỷ lệ 49,9% so với dân số 15 - 17 tuổi; tuyển mới 12.166 học sinh lớp 10, tỷ lệ 76,7% so với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Giáo dục thường xuyên có 1.499 học sinh THCS, 2.944 học sinh THPT, trong đó tuyển mới lớp 10 là 1.026 học sinh. Giáo dục chuyên nghiệp có 1.025 học sinh, tuyển sinh mới 425 học sinh (các trường thuộc Sở quản lý)

   * Về mạng lưới trường học

   - Giáo dục mầm non có 1 nhà trẻ, 81 trường mẫu giáo, 101 trường mầm non (171 trường công lập và 12 trường ngoài công lập). Giáo dục phổ thông có 226 trường tiểu học (trong đó có một trường giáo dục chuyên biệt trẻ khuyết tật ngoài công lập), 125 trường trung học cơ sở, 33 trường trung học phổ thông (trong đó có 1 trường tư thục) và 4 trường phổ thông có nhiều cấp học. Giáo dục thường xuyên có 2 trung tâm (1 cấp tỉnh và 1 cấp huyện), 5 trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp; 3 khoa giáo dục thường xuyên trong trường trung cấp chuyên nghiệp và 173 trung tâm học tập cộng đồng. Giáo dục nghề nghiệp có 3 trường trung cấp nghề, 1 trường cao đẳng nghề, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp, 1 trường đại học, 1 trường cao đẳng.

   * Trường chuẩn quốc gia

   Có 131 trường đạt chuẩn quốc gia: mầm non 17 trường, tiểu học 94, trung học cơ sở 17, trung học phổ thông 3. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia so với tổng số trường của từng bậc học là mầm non 9,1%, tiểu học 41,6%, trung học cơ sở 13,5% và trung học phổ thông 8,3%. So với năm học trước tăng 12 trường:  mầm non 6 trường, bậc tiểu học 2 trường và trường trung học cơ sở 4 trường.

   * Về đội ngũ nhà giáo

   Tổng số có 20.045 cán bộ, giáo viên và nhân viên: mầm non 3.471, tiểu học 7.628, trung học cơ sở 5.721, trung học phổ thông 2.525, trung cấp chuyên nghiệp 384, giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp 161, cán bộ quản lý sở, phòng giáo dục đào tạo 155, trong đó có 4.919 đảng viên chiếm tỷ lệ 25,9%.  

   4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

   Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được theo dõi, giám sát thường xuyên, so với năm 2013 có 11 bệnh tăng, có 5 bệnh giảm, các bệnh khác tương đương hoặc không xảy ra. Đặc biệt ghi nhận 04 bệnh mới xuất hiện trong năm 2014 gồm sởi (77 cas), ho gà (02 cas), xoắn khuẩn cầu vàng (04 cas) và viêm não virus (14 cas mắc, tử vong 02 cas).

   Công tác khám chữa bệnh vẫn thường xuyên quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, công suất sử dụng giường bệnh bình quân là 104%, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 114%, bệnh viện chuyên khoa đạt 100,9%, bệnh viện tuyến huyện đạt 89,7%..., đã khám chữa bệnh 5.908.306 lượt người giảm 0,9% so cùng kỳ trong đó điều trị nội trú 220.214 lượt người tăng 1,2%. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng thường xuyên được quan tâm,  kiểm tra 12.814 lượt cơ sở kết quả có 83,4% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngộ độc thức ăn và thực phẩm xảy ra 6 vụ có 145 người mắc: 03 vụ độc thực phẩm tại 3 công ty với tổng số người mắc 132 người  và 3 vụ xảy ra ở hộ gia đình có 13 người mắc trong đó có 02 người tử vong trong một hộ gia đình  ở huyện Gò Công Đông có 3 người mắc do ngộ độc từ con so biển

   Một số bệnh truyền nhiễm: Bệnh sốt xuất huyết: xảy ra 879 cas sốt xuất huyết giảm 44,2% so cùng kỳ, có 2 cas tử vong. Nhiễm HIV/AIDS: phát hiện 270 cas nhiễm HIV tăng 18,9%, số cas mới AIDS là 102 cas giảm 37%. Lũy kế đến nay số người nhiễm HIV là 3.966 cas, số cas AIDS là 1.552 và tử vong do AIDS là 839 cas.

   5. Văn hóa, thể thao:

   Theo Sở Văn hóa Thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2014 có 430.400 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, qua bình xét có 413.917 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 96,2%; có 18 ấp, khu phố văn hóa đạt 94,1%; xây dựng mới 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; chuyển đổi từ xã, phường văn hóa sang xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 21 phường thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Tổng số đến nay có 958/1018 ấp, khu phố văn hóa đạt 94,1%; có 72 xã, phường đạt chuẩn văn hóa và văn minh đô thị; về xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng hiện có 32 chợ văn hóa (tăng 9 so với năm 2013); 11 công viên văn hóa (tăng 02 so với năm 2013), 260 con đường văn hóa (tăng 83 so với năm 2013), 327 cơ sở thờ tự văn hóa (tăng 60 so với năm 2013). Công tác kiểm tra hoạt động văn hóa cũng được quan tâm, cả năm Thanh tra Sở thực hiện 04 quyết định thanh tra về trách nhiệm thủ trưởng trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và 21 quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; kiểm tra 35 cuộc với 393 lượt, phát hiện 48 vụ vi phạm, xử phạt 38 vụ vi phạm hành chính, tịch thu 163 đĩa, 06 thẻ nhớ điện thoại, 02 ổ cứng máy vi tính, 03 USB, tiêu hủy 02 thẻ nhớ điện thoại di động có chứa nội dung độc hại…

   Phong trào thể dục thể thao thành tích cao trong năm tham gia 25 giải cấp quốc tế, quốc gia và khu vực đạt 113 huy chương các loại, trong đó có 24 HCV, 40 HCB, 49 HCĐ.

   6. Tai nạn giao thông: Theo báo cáo của Ngành công an đến 15/11/2014:

   Giao thông đường bộ: Toàn tỉnh đã xảy ra 390 vụ tai nạn, làm chết 218 người, làm bị thương 357 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 102 vụ, số người chết giảm 26 người, số người bị thương giảm 123 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 84.890 vụ giảm 21.698 vụ, phạt tiền 75.354 vụ với số tiền phạt 4.067 triệu đồng.

   Giao thông đường thủy: xảy ra 9 vụ tai nạn, làm chết 02 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 01 vụ, số người chết tăng 02 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 17.463 vụ so cùng kỳ giảm 711 vụ, phạt tiền 14.164 vụ với số tiền phạt 2.227 triệu đồng.

   7. Tình hình cháy nổ, môi trường:

   Năm 2014 xảy ra 47 vụ cháy, làm bị 4 thương người, làm chết 01 người, tài sản thiệt hại ước tính trên 12,3 tỷ đồng và 14,2 hecta rừng tràm, bạch đàn từ 1  đến 4 năm tuổi. So với nămm 2013, số vụ cháy tăng 12 vụ, số người chết và bị thương tương đương. Vi phạm môi trường đã phát hiện 56 vụ gồm tài nguyên khoáng sản 27 vụ, môi trường 23 vụ, đất đai 2 vụ và tài nguyên nước 4 vụ; đã xử lý 63 vụ với tổng số tiền xử phạt là 965,3 triệu đồng, trong đó có 8 vụ năm 2013 chuyển sang với số tiền nộp phạt là 23,5 triệu đồng.

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 33)
Trang:1 - 2 - 3 - 4Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 28
Truy cập: 2.005.217
Truy cập tháng: 76.108
User IP: 18.191.202.72

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn