Số 21 đường 30/4 - phường 1 - TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang               Hotline: 0273 3872 582               Email: tiengiang@gso.gov.vn

"CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT"

 

 

Tổng Cục Thống kê

Cổng Thông tin điện tử

tỉnh Tiền Giang

                                                                                     - Hướng dẫn Đăng ký tài khoản (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn tra cứu thông tin (Xem Clip)

                                                                                  - Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh (Xem Clip)

                                                                                     - Hướng dẫn đăng ký khai sinh (Xem Clip)

Thăm Dò Ý Kiến
Thông tin bạn quan tâm nhất trên trang web này





Năm 2019
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2019
Thứ bảy, Ngày 29 Tháng 6 Năm 2019

    I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ

    1. Tăng trưởng kinh tế:

    Tốc độ tăng tổng sản phẩm 6 tháng qua hai năm

 

Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước - %

6 tháng đầu năm 2018

6 tháng đầu năm 2019

Tổng số

6,89

7,07

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

1,87

2,49

Khu vực công nghiệp và xây dựng

12,94

12,88

Khu vực dịch vụ

3,44

6,08

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

38,82

14,72

    Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 29.802 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 7,07% so với 6 tháng đầu năm 2018, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,49%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,88% và khu vực dịch vụ tăng 7,57% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,08% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 14,72% so cùng kỳ. Trong 7,07% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,36%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 49,11%, khu vực dịch vụ đóng góp 24,93% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 12,60%. GRDP tính theo giá hiện hành đạt 44.287 tỷ đồng. 

    - Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,49% so với 6 tháng đầu năm 2018. Trồng trọt trong kỳ thuận lợi, không chịu tác động nhiều của hạn, mặn như các năm trước. Tuy nhiên giá bán các phẩm trồng trọt tăng giảm thất thường, nông dân khó định trong sản xuất; giá bán một số loại cây ăn quả như: Mít, Sầu riêng,... ở một số thời điểm tăng khá cao, trong khi giá lúa trong 6 tháng đầu năm luôn ở mức thấp, ở một số thời điểm khó tiêu thụ. Do đó nông dân ở một số huyện phía Tây chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Với tình hình sản xuất tự phát, không theo qui hoạch chung của tỉnh, sẽ dễ dẫn đến cung vượt cầu một số sản phẩm cây ăn quả trong thời gian tới. Trong lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều khó khăn, nhất là chăn nuôi lợn. Ở thời tháng 01 dịch lợn tai xanh xảy ra ở một số địa phương, đến quí II dịch tả lợn Châu phi bùng phát mạnh, tạo tâm lý lo lắng cho người chăn nuôi và cả người tiêu dùng, giá lợn xuống thấp, khó tiêu thụ, người nuôi không có lãi. Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/4/2019 đàn lợn của tỉnh đạt 513,7 ngàn con, tương đương so cùng kỳ. Nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay nhiều khả năng đàn lợn của tỉnh sẽ giảm trong thời gian tới. Ngành thủy sản trong 6 tháng qua có nhiều thuận lợi, sản lượng khai thác và nuôi trồng đều tăng so cùng kỳ.

    - Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 12,88% so với 6 tháng đầu năm năm 2018; tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có chậm lại so với trước đây nhưng vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 13,54% so cùng kỳ. Lãnh đạo địa phương có nhiều giải pháp thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, công nghiệp của tỉnh chủ yếu là công nghiệp chế biến, tập trung ở một số lĩnh vực như: may mặc, giày da, thủy sản, thức ăn gia súc ... công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ còn rất ít. Để duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao. Ngành xây dựng tăng 7,54%, tăng cao hơn cùng kỳ 0,66% (cùng kỳ tăng 6,88%).

    - Khu vực dịch vụ: tăng 6,08%, hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng so với cùng kỳ. Một số ngành có tốc độ tăng khá như: Vận tải, kho bãi tăng 7,12%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,55%; hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 8,53% ... Với mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, trong 6 tháng đầu năm 2019 tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí phục vụ nhân dân tỉnh nhà, đồng thời quảng bá hình ảnh Tiền Giang đến với các tỉnh bạn và du khách quốc tế. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 tháng đầu năm tăng 14,72% so cùng kỳ.

    2. Tài chính - Ngân hàng:

    a. Tài chính:          

    - Thu ngân sách: tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ, bên cạnh đó ngành Thuế đã phối hợp cùng các ngành liên quan tăng cường quản lý thu, từ đó tạo điều kiện thu ngân sách đạt khá. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 được 6.172 tỷ đồng, đạt 48,8% kế hoạch, tăng 16,4% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 5.439 tỷ đồng, đạt 58,5% dự toán và tăng 22,7% so cùng kỳ; thu nội địa 5.264 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, tăng 24% so cùng kỳ... hầu hết các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn đều đạt trên 50% so dự toán năm. Các khoản thu đạt thấp đạt dưới 50% dự toán năm gồm thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 48,9% do số thu chủ yếu của các đơn vị trọng điểm như Viettel, Mobifone, Viễn thông chịu sự phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào nhiều từ các Tổng công ty; thuế bảo vệ môi trường đạt 44,6% do trong tháng 01/2019 còn thu số phát sinh tháng 12/2018 theo định mức cũ, số đơn vị nộp thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh phát sinh thấp; thu tiền thuê đất đạt 32,7% do trong 6 tháng đầu năm không phát sinh thu trả tiền thuê đất một lần...

    - Chi ngân sách: 6 tháng đầu năm 2019, việc điều hành chi ngân sách căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước; Thông tư số 119/2018/TT-BTC ngày 05/12/2018 của Bộ Tài chính về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và các chế độ, định mức chi tiêu, dự toán chi ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định giao cho từng ngành, từng địa phương. Vì vậy kết quả thực hiện chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2019 đã đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các đơn vị, địa phương. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2019 là 5.506 tỷ đồng, đạt 48,4% dự toán, tăng 31,4% so cùng kỳ

    b. Ngân hàng:

    Trong 6 tháng đầu năm 2019, trần lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, để huy động được nguồn vốn nhàn trong dân cư để bổ sung nguồn vốn cho vay, các ngân hàng hiện đang có xu hướng tăng lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Do đó, 6 tháng đầu năm, đa số các ngân hàng có nguồn vốn huy động tăng; trong đó, tăng nhiều nhất là tiền gửi tiết kiệm từ dân cư. Đến 31/5/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 64.373 tỷ đồng, tăng 4.029 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 6,7%; trong đó: tiền gửi tiết kiệm chiếm 83,6%, tiền gửi thanh toán chiếm 13,4%... Ước đến cuối 6/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 64.888 tỷ đồng, tăng 7,5% so đầu năm 2019 và tăng 10,6% so cùng kỳ.

    Nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trong 6 tháng đầu năm tăng cao, bên cạnh đó, các ngân hàng đã triển khai thực hiện nhiều chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ như cho vay tín dụng tiêu dùng, cho vay bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cho vay thu mua lúa gạo Đông Xuân… với lãi suất ưu đãi, đã góp phần tăng trưởng dư nợ cho các ngân hàng. Đến 31/5/2019, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 50.933 tỷ đồng, tăng 2.489 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 5,1%; trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 57,5%, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 42,5%. Ước đến cuối tháng 6/2019, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh sẽ đạt 51.392 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ tăng 6,1% so đầu năm 2019.

    3. Giá cả, lạm phát:

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,22% so tháng 5/2019 (thành thị giảm 0,2%, nông thôn giảm 0,23%), so cùng kỳ năm trước tăng 2,27%, so tháng 12 năm 2018 tăng 1,42%.

    Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm hàng chỉ số giá tăng so tháng trước: tăng cao nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34%; kế đến là nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%... Có 2 nhóm hàng chỉ số giá giảm là nhóm: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,7%; giao thông giảm 1,99%. Riêng 2 nhóm thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông có chỉ số giá ổn định.

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm so tháng 5/2019 do:

    - Vụ lúa Hè Thu đang bước vào thời kỳ thu hoạch, sản lượng lúa nhiều, trong khi việc xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn dẫn đến giá gạo giảm 0,29% so tháng trước.

    - Dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng hầu hết các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Tiền Giang, dẫn đến người tiêu dùng e ngại tiêu dùng thịt lợn làm cho giá thịt lợn giảm 4,99% so tháng trước.

    - Giá xăng dầu điều chỉnh giảm giá 2 đợt vào ngày 01/6/2019 và ngày 17/6/2019, tổng cộng giá xăng A95 giảm 1.460 đồng/lít, xăng E5 giảm 1.250 đồng/lít, dầu Diezen 0,05S giảm 960 đồng/lít, nên bình quân giá xăng dầu giảm 3,93% so tháng trước.

    - Giá gas giảm 10,59%, tương đương mức giảm 33.000 đồng/bình 12kg so tháng trước, do giá gas thế giới bình quân tháng 6/2019 công bố ở mức 422,5 USD/tấn, giảm 105 USD/tấn so với tháng 4/2019. Cùng với đó, giá dầu hoả giảm 3,3% tương đương mức giảm 810 đồng/lít so tháng trước.

    - Tại Tiền Giang có mưa, thời tiết mát, dẫn đến người dân sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm so với tháng trước, tác động đến chỉ số giá điện, nước bình quân giảm.

    Bên cạnh đó, có một số mặt hàng chỉ số giá tăng nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:

    - Giá rau tươi và chế biến tăng 5,93% do sản lượng giảm vì năng suất thu hoạch thấp hơn so cùng kỳ.

    - Giá thịt bò, gia cầm, trứng các loại, thuỷ sản tươi sống... tăng do dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát dẫn đến tâm lý người dân ít sử dụng thịt lợn vì sợ lây nhiễm bệnh.

    - Tháng 6/2019 vào mùa hè và trùng ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6) nên giá dịch vụ vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi tăng 1,19%.

    Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2019 so cùng kỳ tăng 2,73%; một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều trong 6 tháng năm 2019 so cùng kỳ như: nhóm giáo dục tăng 5,59%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,49%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,58%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,67%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,71%...

    Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 6/2019 tăng 1,84% so tháng trước; giá bình quân tháng 6/2019 là 3.704 ngàn đồng/chỉ, tăng 80 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

    Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 6/2019 tăng 0,36% so tháng trước, giá bình quân 23.440 đồng/USD, tăng 596 đồng/USD so cùng kỳ.

    4. Đầu tư và Xây dựng:

    Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh 2010, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3.552 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ. Công tác quy hoạch đô thị được triển khai quyết liệt tại các huyện, thị xã, thị trấn, góp phần thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, được quan tâm chú ý của các nhà đầu tư. Mô hình cụm công nghiệp, khu dân cư, nhà ở xã hội... đã và đang từng bước nâng vẻ mỹ quan của dân cư đô thị.

    Vốn đầu tư toàn xã hội quý II/2019, ước thực hiện 7.379 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ; bao gồm: vốn Nhà nước 860 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước 5.072 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.447 tỷ đồng.

    Vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2019, ước thực hiện 13.907 tỷ đồng, đạt 40,3% kế hoạch, tăng 12,2% so cùng kỳ, (trong đó: vốn đầu tư xây dựng cơ bản 9.207 tỷ đồng, chiếm 62% vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 1,5% so cùng kỳ); bao gồm:

    + Nguồn vốn nhà nước: thực hiện 1.420 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm thực hiện chủ yếu các công trình chuyển tiếp đối với các dự án mới đang trong giai đoạn phân bổ vốn, lập dự toán, hoàn chỉnh hồ sơ và giải phóng mặt bằng (đến hết tháng 3 có 30 dự án tiến hành giải phóng mặt bằng; trong đó 15 công trình chuyển tiếp và 15 công trình khởi công mới).

    + Nguồn vốn ngoài nhà nước: thực hiện được 9.611 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp thực hiện chủ yếu là sửa chữa tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh tập trung nhiều nhất ở ngành khai thác thủy sản, xay xát…

    + Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: thực hiện được 2.877 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay thu hút được 3 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 1.785 tỷ đồng, tăng một dự án so cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện chủ yếu là các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới dây chuyền.

    Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 6 tháng đầu năm 2019 là 1.015 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch, tăng 13% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 781 tỷ đồng, tăng 11,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 185 tỷ đồng, tăng 24,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 49 tỷ đồng, tăng 2,2% so cùng kỳ.

    5. Tình hình phát triển của doanh nghiệp:

    Tổng số doanh nghiệp thành lập mới ước tính trong quý II/2019 là 210 doanh nghiệp. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 345 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 4.100 tỷ đồng, tăng 2,5% về số doanh nghiệp và tăng 80% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân là 11 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 4 tỷ đồng/doanh nghiệp so cùng kỳ; có 256 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động gồm 54 chi nhánh, 194 địa điểm kinh doanh, 8 văn phòng đại diện; có 95 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 394 tỷ đồng; có 35 doanh nghiệp đăng ký giải thể. Tính đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.354 doanh nghiệp hoạt động.

    6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:

    a. Nông nghiệp:

    * Trồng trọt:

    Cây lương thực có hạt: 6 tháng đầu năm 2019, gieo trồng 151.087 ha, đạt 76,6% kế hoạch, giảm 9,3% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 672.926 tấn, đạt 56,8% kế hoạch, giảm 10,8% so cùng kỳ chủ yếu là do diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2018 - 2019 giảm 5,7% và năng suất thu hoạch giảm 3,5% so cùng kỳ do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng, lúa trổ sớm, sương mù…; trong đó: cây lúa gieo sạ 148.113 ha, thu hoạch 97.843 ha với sản lượng 665.038 tấn.

    - Cây lúa:

    * Vụ Đông Xuân 2018-2019: gieo sạ 64.860 ha, đạt 97,7% kế hoạch gieo trồng của vụ, giảm 5,7% so cùng kỳ do thực hiện đề án cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng sản xuất lúa khó khăn. Năng suất 71,9 tạ/ha, giảm 3,5% so cùng kỳ. Sản lượng 466.625 tấn, giảm 10,5% so cùng kỳ. Giá lúa vụ Đông Xuân giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp đã đầu tư hồi đầu vụ tăng rất mạnh, làm cho lợi nhuận từ sản xuất lúa giảm so cùng kỳ.

    * Vụ Hè Thu: gieo sạ 83.253 ha với tổng diện tích xuống giống khoảng 100.485 ha, đạt 82,9% kế hoạch; thu hoạch 32.983 ha; năng suất 60,2 tạ/ha; sản lượng 198.413 tấn; trà lúa còn lại đang trong giai đoạn đẻ nhánh.

    - Cây ngô: 6 tháng trồng 2.956 ha, đạt 63,4% kế hoạch, giảm 12,7% so cùng kỳ, thu hoạch 2.179 ha, năng suất quy thóc 36 tạ/ha với sản lượng quy thóc 7.843 tấn, đạt 45,7% kế hoạch, giảm 6,6% so cùng kỳ chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm.

    Cây rau đậu các loại: 6 tháng gieo trồng 43.798 ha, thu hoạch 37.913 ha với sản lượng 728.048 tấn, đạt 64,1% kế hoạch, tăng 9,1% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 43.593 ha, thu hoạch 37.748 ha với sản lượng 727.549 tấn, tăng 9,1% so cùng kỳ.

    Cây lâu năm: toàn tỉnh hiện có 96.981 ha trồng cây lâu năm, tăng 3,3% tương ứng tăng 3.146 ha so với cùng kỳ năm trước, diện tích tăng chủ yếu ở các loại cây: thanh long 361 ha, sầu riêng 977 ha, mít 2.669 ha, bưởi 68 ha…; trong đó: cây ăn quả 77.138 ha, tăng 4,4% so cùng kỳ tương ứng tăng 3.251 ha. Sản lượng thu hoạch ước 854.678 tấn, giảm 1,54% so cùng kỳ tương ứng giảm 13.394 tấn, do những cây như mít, sầu riêng, bưởi... được trồng mới chưa cho sản lượng.

    Chăn nuôi: ước thời điểm 01/6/2019 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 117,9 ngàn con, giảm 2,6%; đàn lợn 498,2 ngàn con, giảm 15,7%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 14,2 triệu con, tăng 10,2% so cùng kỳ.

    * Tình hình dịch bệnh:

    - Bệnh dịch tả lợn châu Phi: tính đến 09 giờ ngày 17/6/2019, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 80 trường hợp mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 27 xã của 4 đơn vị là huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy; trong đó: có 68 trường hợp dương tính kết quả xét nghiệm PCR, 12 trường hợp test nhanh dương tính trong ấp có dịch không xét nghiệm PCR. Đã tiêu hủy 4.201 con/70 hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với khối lượng 255 tấn.

    - Bệnh lở mồm long móng: ghi nhận có 82 trường hợp tại 30 xã của 5 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, tổng số lợn mắc bệnh 1.160 con, chính quyền địa phương tiêu hủy 1.132 con với trọng lượng 79 tấn.

    Các chốt kiểm dịch động vật: đến 17/6/2019 đã thực hiện kiểm tra 9.431 xe, trong đó có 4.024 xe chở lợn; với số lượng 3.588.199 con, trong đó có 474.362 con lợn, 150 tấn sản phẩm động vật, 3.633 con động vật làm sẵn. Phát hiện 1 trường hợp xe vận chuyển có số lượng không đúng với giấy chứng nhận kiểm dịch, xử phạt 6 triệu đồng.

     b. Lâm nghiệp:

    Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Gò Công tổ chức phát động Lễ trồng cây nhân ngày sinh nhật Bác 19/5 tại Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Mộ Đỗ Trình Thoại ở xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, với số lượng 130 cây sao, dầu; hỗ trợ 950 cây phân tán các loại cho các huyện, thị thành trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2019, thực hiện trồng mới được 77,6 ngàn cây phân tán các loại, giảm 82,7% so với cùng kỳ do thời tiết nóng, khô chưa phù hợp để trồng và quỹ đất của tỉnh không còn đất trống để trồng, cây trồng phân tán hiện nay chủ yếu là do hộ dân trồng.

    c. Thủy hải sản:

    6 tháng đầu năm 2019, thả nuôi 11.148 ha, đạt 69,8% kế hoạch, tăng 0,7% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 3.717 ha, giảm 4,8% so cùng kỳ do thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước trên nội đồng thấp kết hợp với mặn xâm nhập vào nội địa nên người dân chỉ thả nuôi ở một số vùng có điều kiện thuận lợi. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 7.431 ha, tăng 3,7% so cùng kỳ; diện tích nuôi tăng chủ yếu là diện tích nuôi nghêu ở Gò Công Đông.

    Sản lượng thủy sản thu hoạch 6 tháng đầu năm 155.419 tấn, đạt 54% kế hoạch, tăng 10,6% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 96.142 tấn, đạt 57,2% kế hoạch, tăng 6,4% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 59.277 tấn (khai thác biển 56.973 tấn), đạt 49,4% kế hoạch, tăng 18,2% so cùng kỳ do đầu tư cải hoán và đóng mới tàu, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác, ngư trường sau tết xuất hiện nhiều loại cá nên bà con ngư dân đã khai thác chuyến biển đầu năm trúng mùa, sản lượng đạt cao so cùng kỳ.

    7. Sản xuất công nghiệp:

    Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2019 giảm 12,7% so tháng 5/2019 và tăng 11,2% so cùng kỳ do các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất tiếp tục ổn định và tăng so cùng kỳ; trong đó: sản xuất đồ uống tăng 27,3%, sản xuất trang phục tăng 44,1%, sản xuất kim loại tăng 18%... Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2019 tăng 11,1% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: sản xuất trang phục tăng 46,5%, sản xuất đồ uống tăng 44,6%, sản xuất kim loại tăng 13,9%...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 24,9%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 tăng 11,2% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: sản xuất trang phục tăng 62,1%, sản xuất đồ uống tăng 32,7%, sản xuất kim loại tăng 14%...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,9%.

    Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 6/2019 so với tháng trước tăng 1,1%; trong đó: doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,9%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1%. So với cùng kỳ tăng 2,3%; trong đó: doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 6,8%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 4%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,4%; chia theo ngành công nghiệp: ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,6%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,3%, cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 3,9%.

    * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

    - Chỉ số tiêu thụ tháng 6/2019 so với tháng trước giảm 14,3% và giảm 6,1% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,23% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao trong 6 tháng qua so cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,5%; sản xuất đồ uống tăng 32,7%; dệt tăng 3,2%; sản xuất trang phục tăng 52,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7,2%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 7,4%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 9,5%; sản xuất kim loại tăng 15,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,3%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 30,3%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất da giảm 14,9%, trong đó sản xuất giày dép giảm 5,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 0,7%...

    - Chỉ số tồn kho tháng 6/2019 so với tháng trước tăng 13,7% và so cùng kỳ tăng 28,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,3%; sản xuất đồ uống tăng 72,6%; dệt tăng 166,14%; sản xuất trang phục tăng 37,5%; sản xuất da tăng 85%; sản xuất kim loại tăng 65,7%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 26,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 10,3%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 86,8%, trong đó sản xuất đồ chơi giảm 86,8%...

    8. Thương mại, dịch vụ:

    a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

    Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm thực hiện 30.170,7 tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch, tăng 8,7% so cung kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 23.900,9 tỷ đồng, tăng 8,4%; lưu trú 69,4 tỷ đồng, tăng 5,5%; ăn uống 3.124,4 tỷ đồng, tăng 8,5%; du lịch lữ hành 59 tỷ đồng, tăng 10,8%; dịch vụ 3.017,1 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ. Một số nhóm hàng hóa có tỉ trọng lớn tăng mạnh đã góp phần cho tổng mức bán lẻ tăng như: lương thực thực phẩm, tăng 6,7%; vật phẩm văn hóa giáo dục, tăng 218,2%; xăng dầu, tăng 31,6% và hàng hóa khác, tăng 28,6%... Thị trường hàng hóa và giá cả tương đối ổn định, không có biến động lớn, hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các dịp như Tết Nguyên đán, Giỗ tổ mùng 10/3 và Lễ 30/4, 1/5 sức mua của người dân tăng hơn bình thường ở các nhóm như lương thực, đồ dùng gia đình, hàng may mặc và một số hàng hóa thiết yếu.

    b. Xuất - Nhập khẩu:

    * Xuất khẩu:

    Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1.436 triệu USD, đạt 47,9% kế hoạch, tăng 20,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 13,9 triệu USD, giảm 79,5%; kinh tế ngoài nhà nước 330,2 triệu USD, tăng 16,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.089,6 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ.

    Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019 như sau:

    - Thủy sản: ước tính xuất 52.827 tấn, giảm 6% so cùng kỳ, về giá trị đạt 157,7 triệu USD, tăng 6,6% so cùng kỳ.

    - Gạo: ước tính xuất 50.518 tấn, giảm 70,4% so cùng kỳ, về giá trị đạt 25,3 triệu USD, giảm 72,7% so cùng kỳ.

    - May mặc: xuất 36.296 ngàn sản phẩm, tăng 5,6%, trị giá đạt 240,6 triệu USD, tăng 20,1% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc chiếm 16,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhưng nguyên phụ liệu vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

    * Nhập khẩu:

    Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 thực hiện 771,2 triệu USD, đạt 42,8% kế hoạch, tăng 2,9% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 56,9 triệu USD, giảm 13,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 714,3 triệu USD, tăng 4,4% so cùng kỳ; nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng nguyên liệu cho ngành dệt may và nguyên liệu plastic.

    c. Vận tải:

    Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2019 thực hiện 1.233,1 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 365,1 tỷ đồng, tăng 3,3% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 781,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 694,2 tỷ đồng, tăng 9,3%; vận tải đường thủy thực hiện 452,3 tỷ đồng, tăng 12,8%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 86,7 tỷ đồng, giảm 8,7% so cùng kỳ.

    Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2019 đạt 16.107 ngàn hành khách, tăng 3,9% và luân chuyển 637.583 ngàn hành khách.km, tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 10.505 ngàn hành khách, tăng 2,8% và luân chuyển 627.441 ngàn hành khách.km, tăng 2,4% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 5.602 ngàn hành khách, tăng 6% và luân chuyển 10.142 ngàn hành khách.km, tăng 5,6% so cùng kỳ.

    Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 8.773 ngàn tấn, tăng 9,8% và luân chuyển được 962.784 ngàn tấn.km, tăng 14,8% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 2.575 ngàn tấn, tăng 6,7% và luân chuyển được 241.509 ngàn tấn.km, tăng 20% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 6.198 ngàn tấn, tăng 11,1% và luân chuyển được 721.275 ngàn tấn.km, tăng 13,1% so cùng kỳ.

    d. Du lịch:

    Ước tính lượng khách du lịch đến tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.010,5 ngàn lượt, đạt 48,1% kế hoạch, tăng 6% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 320,3 ngàn lượt, đạt 38,1% kế hoạch, tăng 0,2% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 3.252,7 tỷ đồng, tăng 8,5%; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98,2%.

    Trong dịp tết Nguyên đán, khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang là 116 nghìn lượt, tăng 28% so cùng kỳ năm 2018, trong đó: khách quốc tế là 28 nghìn lượt, tăng 5,2% so cùng kỳ. Khu du lịch cù lao Thới Sơn khách tăng 6,6%; khu du lịch biển Tân Thành khách tăng 12,8%; khu du lịch Cái Bè khách tăng 5,1%; khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp hành hương Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác thu hút hơn 50.000 lượt khách, tăng 65% so Tết năm 2018.

    e. Bưu chính viễn thông:

    6 tháng đầu năm 2019, doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 1.382 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 97 tỷ đồng, tăng 41,6%; doanh thu viễn thông 1.285 tỷ đồng, tăng 11,9%; doanh thu tăng tập trung vào tháng có ngày nghỉ lễ do nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng.

    Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 6/2019 là 111.122 thuê bao (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau); thuê bao điện thoại bình quân đạt 6,3 thuê bao/100 dân. Số điện thoại di động có sử dụng Internet 3G đến cuối tháng 6/2019 là 600.005 thuê bao.

    Tổng số thuê bao Internet phát triển mới trong 6 tháng đầu năm 2019 là 21.172 thuê bao (trong đó: ADSL giảm 1.144 thuê bao; FTTH tăng 22.316 thuê bao); số thuê bao Internet trên mạng có đến cuối tháng 6/2019 là 203.754 thuê bao; mật độ Internet bình quân ước đạt 11,6 thuê bao/100 dân.

    II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

    1. Lao động, giải quyết việc làm:  

    Tư vấn giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động được thực hiện thường xuyên đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tư vấn cho 10.234 lượt lao động, trong đó: tư vấn nghề cho 518 lượt lao động, tư vấn việc làm 2.256 lượt lao động, tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp 6.935 lượt lao động, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác 525 lao động; đã tạo việc làm cho 8.365 lao động; có 160 lao động đi làm việc theo hợp đồng nước ngoài; có 6.763 người đăng ký thất nghiệp và quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5.815 người với tổng số tiền chi trả 80.423 triệu đồng.

    2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:

    Chính sách người có công: Vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được 5,3 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm; xây dựng 33 ngôi nhà tình nghĩa với kinh phí 1,4 tỷ đồng và sửa chữa 25 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 0,5 tỷ đồng. Lập quyết định trợ cấp cho 277 trường hợp người có công, gồm: 11 hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 07 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 248 hồ sơ Thanh niên xung phong theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg và 11 hồ sơ trợ cấp theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg; tổ chức 05 đợt, đưa 123 người có công đi viếng Lăng Bác Hồ, tham quan thủ đô Hà Nội (02 đợt) và đưa người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đi viếng nhà tù Phú Quốc (02 đợt), Côn đảo (01 đợt)...

    Công tác giảm nghèo-bảo trợ xã hội: các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo tết cho đối tượng chính sách, hộ nghèo được triển khai thực hiện tốt. Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2019, tổ chức trợ cấp cho 16.098 hộ nghèo với kinh phí 6,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách; hỗ trợ 140.025 phần quà cho các hộ nghèo và cận nghèo trị giá 42,6 tỷ đồng từ nguồn vận động. Ngoài ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh tặng 250 phần quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và trẻ em mồ côi ở xã Tân Thuận Bình (Chợ Gạo) do Công ty cổ phần Sông Tiền tài trợ.

     Theo kết quả tổng hợp điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, toàn tỉnh có 16.097 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,41% so với tổng số hộ toàn tỉnh, có 18.024 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,81%, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 còn 2,99%.

    Từ đầu năm đến cuối tháng 5 toàn tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm miễn phí cho người nghèo là 45.184 thẻ và 55.788 thẻ dành cho người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi là 162.337 thẻ. Đồng thời, hỗ trợ cho hộ bãi ngang ở các huyện (thị xã Gò Công, Gò Công Đông, Tân Phú Đông) có điều kiện khó khăn là: 91.452 thẻ.

    Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em: luôn được quan tâm với nhiều hoạt động như phối hợp với Báo Ấp Bắc thực hiện Chuyên trang “Vì trẻ em” nhằm tuyên truyền những nội dung về “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”; “Phòng, chống tai nạn, thương tích, bạo lực và xâm hại đối với trẻ em”, gương điển hình người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là những trẻ em điển hình trong vượt khó học giỏi, tuyên truyền về chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” nhằm thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số; tuyên truyền và phát động hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em từ ngày 01/6 - 30/6/2019”. Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động trên 1,6 tỷ đồng trong đó có trên 1,4 tỷ đồng tiền mặt với trên 188 triệu đồng hàng hóa, hỗ trợ cho khoảng 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn thông qua các chương trình trao tặng học bổng, tiếp sức đến trường, mái ấm khuyến học.

     Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: toàn tỉnh có 5.826 người nghiện ma túy. Cơ sở cai nghiện ma túy tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, quản lý, cai nghiện và đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở cai nghiện ma túy; duy trì 04 điểm điều trị nghiện và 02 điểm cấp phát thuốc Methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại cộng đồng trong toàn tỉnh, tính đến thời điểm báo cáo đã có 215 người tham gia điều trị bằng Methadone.

    Qua khảo sát thực tế và nguồn kết quả điều tra mẫu Lao động việc làm hàng tháng qua 6 tháng đầu năm 2019, cho thấy tỷ lệ lao động thất nghiệp chung của toàn tỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm, từ 1,8% xuống còn 1,5% so cùng kỳ và tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị cũng giảm so với cùng kỳ từ 3,2% năm 2018 xuống còn 2,6% năm 2019.

    3. Hoạt động giáo dục:

    Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019; tổng kết năm học 2018-2019; tập trung tốt cho công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018- 2019; chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và thực hiện kế hoạch hoạt động hè năm 2019.

    Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục:

    Tổ chức nhận hồ sơ đăng ký dự thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2019, tổng cộng có 13.786 thí sinh đăng ký dự thi với 586 phòng thi; gồm có 464 thí sinh giáo dục thường xuyên và 13.322 thí sinh giáo dục phổ thông; Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019, kết quả Tiền Giang đạt 08 giải; trong đó, có 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba và 04 giải khuyến khích. Xếp hạng 60/69 đơn vị dự thi toàn quốc và 7/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức kỳ thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông cho học sinh lớp 11 năm học 2018-2019, tổng số có 14.090 thí sinh dự thi, tỷ lệ đạt là 99,3%.

    Tổ chức coi và chấm thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT năm 2019 khóa ngày 05, 06/3/2019 với 1.050 thí sinh và 33/37 trường THPT công lập và ngoài công lập đăng ký dự thi (THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Rạch Gầm Xoài Mút, Nguyễn Văn Thìn không có học sinh dự thi). Kết quả: đạt  336 giải/1.050 thí sinh đăng ký dự thi (32%), trong đó có 26 giải nhất, 81 giải nhì, 76 giải ba và 153 giải khuyến khích. Các trường THPT đạt giải cao gồm THPT Chuyên (97 giải), Nguyễn Đình Chiểu (38 giải), Cái Bè (27 giải).

    Tổ chức thi học sinh giỏi cấp tỉnh trung học cơ sở năm học 2018-2019 khóa ngày 19, 20/3/2019. Kết quả: đạt 424 giải/932 thí sinh đăng ký dự thi (45,5%), trong đó có 34 giải nhất, 103 giải nhì, 104 giải ba và 183 giải khuyến khích; Tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020 và chuẩn bị kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 vào các ngày 25, 26 và 27/6/2019.

    4. Hoạt động y tế:

    Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 96,1%, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 118,5%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 90,3%, bệnh viện tuyến huyện đạt 50,8%...; đã khám chữa bệnh cho 2.771.603 lượt người, giảm 1,5% so cùng kỳ; trong đó điều trị nội trú là 118.016 lượt người tăng 2,3%.

    Công tác phòng chống dịch bệnh được thường xuyên theo dõi và giám sát chặt chẽ. Tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ có 8 bệnh giảm (bệnh quai bị giảm 57,5%, bệnh sốt rét giảm 33,3%, bệnh lao phổi giảm 9,7%, bệnh thủy đậu giảm 3,7%,...); có 13 bệnh tăng (bệnh sốt xuất huyết tăng 114,5%, bệnh tay-chân-miệng tăng 93%, bệnh tiêu chảy tăng 18,1%,...); các bệnh khác tương đương hoặc không xảy ra cas mắc. Có 3 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng và dại. Đến nay số người nhiễm HIV là 5.273 cas, số cas AIDS là 1.765 cas và tử vong do AIDS là 953 cas. Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát, không xảy ra ngộ độc thực phẩm, 6 tháng kiểm tra 6.861 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kết quả có 97,6% cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

    5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

    a. Văn hóa:

    Trong 6 tháng đầu năm 2019, tập trung tổ chức các hoạt động trọng tâm như: tổ chức lễ hội âm nhạc Tiger Remix 2019; lễ hội Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang 2019; kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân; Giỗ Tổ Hùng Vương và các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn 30/4, 01/5 và 19/5… Trung tâm văn hóa tỉnh tổ chức 5 hội thi, liên hoan, triển lãm: hội thi và trưng bày hoa lan; liên hoan các ban nhạc đồng bằng sông Cửu Long 2019; 02 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu cuộc sống” và “Sức sống”; liên hoan sáng tác tác phẩm múa không chuyên lần I. Tổ chức 07 chương trình văn nghệ tổng hợp như: chương trình nghệ thuật chào đón Tết Dương lịch 2019; chương trình Múa bóng rỗi, ảo thuật; giao lưu biểu diễn khiêu vũ “Những đôi nhảy đẹp”; chương trình những bước nhảy sôi động; giao lưu các ban nhạc tỉnh Tiền Giang mở rộng 2019…

    Công tác Thanh - kiểm tra văn hóa cũng được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 22 cuộc kiểm tra chuyên ngành; nhắc nhở 23 vụ; tháo gỡ 30 băng rôn quảng cáo treo không đúng nơi quy định; nhắc nhở và đề nghị 02 doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo gỡ bỏ các sản phẩm quảng cáo sai quy định; thu giữ hơn 1.000 tờ rơi sai quy định…

     Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: toàn tỉnh có 1.002 ấp, khu phố văn hóa; 120 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 43 chợ văn hóa; 11 công viên văn hóa; 541 con đường văn hóa và 476 cơ sở thờ tự văn hóa. 

    b. Thể dục - thể thao:

    Tổ chức thành công giải Việt dã báo Ấp Bắc lần thứ 36 năm 2019 tại huyện Gò Công Tây; đăng cai tổ chức 03 giải thể thao toàn quốc gồm: giải vô địch Bóng ném, giải vô địch Cúp các CLB KickBoxing, giải vô địch các CLB PencakSilat và giải Bóng đá hạng nhì Quốc gia năm 2019; tham gia 2 giải quốc tế; 6 giải mở rộng; 11 giải khu vực và toàn quốc, kết quả đạt: 22 HCV, 33 HCB, 41 HCĐ.

    6. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội: theo báo cáo của ngành Công an:

    Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, có nhiều chuyển biến tích cực. Tội phạm về trật tự xã hội giảm 1,4% (chỉ tiêu kế hoạch giảm từ 3-5%); đã phối hợp kịp thời giải quyết ổn định 2 vụ, có 522 công nhân đình công, yêu cầu công ty trả lương; phát hiện khởi tố 5 vụ (7 bị can) có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản gây thiệt hại khoảng 745 triệu đồng; xử lý 66 vụ với 65 đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ; khởi tố 101 vụ với 116 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý hành chính 1.386 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; phát hiện, xử lý 213 tụ điểm tệ nạn cờ bạc, mại dâm; kịp thời phát hiện, bắt giữ kịp thời 01 nhóm với 23 đối tượng chuẩn bị hung khí để giải quyết mâu thuẫn.

    7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của ngành Công an).

    Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 122 vụ, làm chết 83 người, bị thương 65 người; so cùng kỳ tai nạn giảm 48 vụ, làm chết giảm 23 người, bị thương giảm 44 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 35.185 vụ, giảm 13.587 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 17.489  vụ, tước giấy pháp lấy xe 949 vụ, phạt tiền 17.696 vụ với số tiền phạt 12.611 triệu đồng. Tình hình tai nạn giao thông đường bộ 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Các vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất rơi vào các ngày nghỉ Lễ, Tết. Cụ thể như: Tết Kỷ Hợi 2019 xảy ra 06 vụ, làm chết 06 người, bị thương 02 người; lễ 30/4 và 01/5/2019: xảy ra 04 vụ làm chết 01 người, bị thương 04 người. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi không đúng phần đường, làn đường, không nhường đường, không làm chủ tốc độ, sử dụng rượu bia và do người đi bộ qua đường thiếu quan sát...

    Giao thông đường thủy: từ đầu năm đến nay không xảy ra tai nạn. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 8.329 vụ, giảm 1.063 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ 1.671 vụ, phạt tiền 6.661 vụ với số tiền phạt 2.666 triệu đồng.

    8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

    Từ đầu năm đến nay xảy ra 9 vụ cháy, giá trị tài sản thiệt hại ước tính trên 5,1 tỷ đồng. Vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 20 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 429,9 triệu đồng, nội dung vi phạm chủ yếu do thực hiện không đúng kế hoạch bảo vệ môi trường, gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép, khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép, khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không giấy phép, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất; xử lý khí thải lò không đạt quy chuẩn môi trường.

    9. Thiệt hại do thiên tai:

    Trong 6 tháng đầu năm, có mưa lớn kèm theo gió lốc mạnh đã làm sập hàng trăm gian hàng tại Hội chợ mua sắm – khuyến mại và ẩm thực Tiền Giang (khu vực Quảng trường tỉnh) làm 1 người bị thương nhẹ, ảnh hưởng 120 gian hàng, trong đó có 50 gian hàng bị thiệt hại về tài sản, ước thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra sự việc các ngành tỉnh, thành phố, hộ tiểu thương đã tập trung khắc phục sự cố.

SL ước tháng 6 -2019

Các tin cùng chuyên mục:
Hiển thị kết quả 1-10 (của 19)
Trang:1 - 2Trang đầu « Lùi · Tới » Trang cuối

Một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 02 năm 2024 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2023 của tỉnh Tiền Giang (%)

Chỉ số sản xuất công nghiệp(*)

-18,0

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

+8,9

Khách quốc tế đến Tiền Giang

+25,9

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước

-12,3

Chỉ số giá tiêu dùng (*)

+1,05

(*): so với tháng trước.

1. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 (xem chi tiết):

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 7,0 – 7,5% so với năm 2023;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 29,6%, khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 35,3%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng/người/năm;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 – 50.650 tỷ đồng;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.801 tỷ đồng;

- Tổng chi ngân sách địa phương 14.456 tỷ đồng;

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 890 doanh nghiệp.

Tìm kiếm thông tin
Thông tin người dùng
User Online: 9
Truy cập: 1.935.927
Truy cập tháng: 49.604
User IP: 3.238.5.144

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG
21 đường 30/4, phường 1, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3872582 - Fax: 0273. 3886 952 - Email:tiengiang@gso.gov.vn